Bắc Giang lọt tầm mắt của nhiều ông lớn, giá đất ven các khu công nghiệp tăng nóng
Vingroup, FLC, CapitaLand và một loạt ông lớn tìm đến Bắc Giang
Bắc Giang vốn được biết đến là thành phố công nghiệp, có vị trí chuyển tiếp giữa các tỉnh phía Đông Bắc với các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội; là điểm giao thông quan trọng vận chuyển ở khu vực phía Bắc và là điểm trung chuyển giao thương với tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, thu hút đầu tư của Bắc Giang luôn lọt top đầu các tỉnh thu hút đầu tư lớn trong cả nước.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bắc Giang đã cấp mới và điều chỉnh cho 183 dự án, tổng số vốn đăng kí mới và bổ sung qui đổi đạt hơn 1.237 triệu USD, tăng 6,6% so với cùng kì năm 2019.
Trong đó cấp mới 86 dự án trong nước có vốn đăng kí 8.274 tỉ đồng và 27 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) có vốn đăng kí hơn 330 triệu USD; điều chỉnh 17 dự án DDI, vốn bổ sung 415 tỉ đồng và 53 dự án FDI vốn tăng thêm hơn 529 triệu USD.
Tỉnh cũng đã thu hút được một số dự án FDI lớn như: Dự án nhà máy Shunsin Việt Nam, vốn đầu tư 100 triệu USD sản xuất linh kiện điện tử; dự án Nhà máy sản xuất hợp kim Powerway Việt Nam, vốn đầu tư 50 triệu USD.
Ngoài ra còn có một số dự án lớn của các nhà đầu tư trong nước như: Dự án Sân golf Việt Yên qui mô 140 ha, tổng số vốn đầu tư 1.214 tỉ đồng do CTCP Đầu tư Golf Trường An làm chủ đầu tư ; Dự án sân golf Phúc Tiến (200 ha, hơn 1.137 tỉ đồng) do CTCP golf An Việt Hòa Bình làm chủ đầu tư; Dự án Sân golf và nghỉ dưỡng Bắc Giang (140 ha, hơn 739 tỉ đồng),…
Thời gian vừa qua, nhiều tập đoàn lớn cả trong và ngoài nước như JA Solar, Foxconn, Sumimoto, SamSung,… đã đến khảo sát đầu tư tại Bắc Giang.
Đơn cử, tháng 7 vừa qua, Tập đoàn Foxconn đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng Việt Nam đề xuất việc xây dựng ba dự án nhà ở xã hội, trong đó có một dự án tại Bắc Giang.
Cụ thể, Dự án nhà ở xã hội Vân Trung (xã Vân Trung, huyện Việt Yên) có qui mô sử dụng đất hơn 16 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 3.400 tỉ đồng (tương đương 150 triệu USD). Dự án do Công ty TNHH Fugiang đầu tư (chủ đầu tư hạ tầng KCN Vân Trung).
Mới đây, Tập đoàn CapitaLand cũng đã bày tỏ mong muốn được tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư lĩnh vực khu, cụm công nghiệp và khu đô thị thông minh tại địa phương.
Hay HĐQT Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC) cũng vừa thông qua phương án hợp tác kinh doanh từng phần tại Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu (Bắc Giang) với công ty con là CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang (SBG).
Theo đó, Kinh Bắc sẽ góp tối đa 300 tỉ đồng và phần vốn góp này không vượt quá 80% tổng mức đầu tư dự án. Hai bên sẽ thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên phần diện tích 93,5 ha.
Hồi tháng 3/2020, Tập đoàn Vingroup cũng có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Giang đề xuất được khảo sát, nghiên cứu và tài trợ sản phẩm qui hoạch khu đất trụ sở cũ UBND, Thành ủy Bắc Giang (khoảng 1,1 ha) tại phường Ngô Quyền.
Một ông lớn trong ngành bất động sản là Tập đoàn FLC cũng đang triển khai thực hiện nghiên cứu, lập qui hoạch và triển khai một loạt dự án tại Bắc Giang như Dự án Cải tạo nâng cấp trụ sở Trung tâm hành chính cũ thành Khu Trung tâm thương mại; Dự án Khu đô thị thông minh tại TP Bắc Giang; Dự án Tổ hợp Thương mại dịch vụ và nhà ở cao cấp Bắc Giang; Dự án Đầu tư xây dựng, kinh doanh, hạ tầng Khu công nghiệp Hiệp Hòa; Dự án Khu du lịch, thể thao, vui chơi giải trí Hố Cao; Dự án Khu du lịch, thể thao và vui chơi giải trí Kiên Lao (Lục Ngạn),...
Ngoài ra, phải kể đến một số dự án qui mô lớn đã và đang triển khai xây dựng như: Dự án chung cư Saigontel Central Park Bắc Giang của CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel); dự án Khu đô thị mới Kosy Bắc Giang của Kosy Group, Tổ hợp căn hộ, khách sạn 5 sao Apec Aqua Park (Tập đoàn Apec),...
Thận trong khi giá đất tăng nóng
Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm của nhà đầu tư đối với thị trường bất động sản khu vực miền Bắc đang cao hơn miền Trung và Nam nhưng thực tế cũng cho thấy thanh khoản của thị trường vẫn ở mức thấp.
Trong đó, các tỉnh như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc,... vốn được coi là những điểm nóng hút vốn của các nhà đầu "đánh bắt xa bờ" đến từ Hà Nội.
Từ đầu năm đến nay, Bắc Giang liên tục công bố các thông tin liên quan đến việc phê duyệt chủ trương, phê duyệt qui hoạch hay tìm nhà đầu tư cho các dự án mới. Đây được xem là những thông tin tích cực thu hút giới đầu tư.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), hiện tượng các nhà đầu tư xuất hiện tại các vùng nông thôn thời gian gần đây đã làm cho đất đai vùng nông thôn trở nên sôi động, nhộn nhịp.
Có những nơi vài năm trước ở ngưỡng giá chỉ vài trăm nghìn nay đã lên đến vài triệu, vài chục triệu /m2. Thậm chí đất vườn, đất ruộng cũng được đẩy lên vài triệu /m2.
Riêng tại Bắc Giang, theo thống kê của đơn vị này, trong quí III/2020, thị trường giao dịch mạnh ở phân khúc đất nền nhất là khu vực trung tâm TP và ven các khu công nghiệp.
Lượng giao dịch, giá đất nền trong quí ghi nhận tăng so với quí I và II. Tuy nhiên, giao dịch chủ yếu là hoạt động mua đi bán lại, lượng sản phẩm mới rất hạn chế. Đặc biệt, có hiện tượng các môi giới và một số nhà đầu tư thổi giá, lướt sóng.
Cũng theo VARs, ở giai đoạn cuối năm, áp lực tăng nhu cầu đầu tư để hiệu quả sử dụng tiền tăng cao thay vì để trong ngân hàng suốt thời gian dài với lãi suất thấp.
Hiện tượng săn tìm đất đai trong dân ở những địa phương bị đồn thổi thông tin sẽ có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm.
Điều này vô tình tạo ra nhiều thị trường giao dịch không chính thống, không được kiểm soát. Đặc biệt là tạo bong bóng giá cả và thị trường ảo. Vì vậy, các nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường cần hết sức thận trọng.