Ba vấn đề được hệ thống ngân hàng chờ đợi trong năm 2017
Luật xử lý nợ xấu được trông chờ
Theo báo cáo của Ủy Ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC), năm 2016, tỷ lệ nợ xấu bình quân toàn hệ thống theo báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm nhẹ từ 2,9% (năm 2015) xuống 2,8%. Hệ thống TCTD đã xử lý khoảng 95.000 tỷ đồng nợ xấu.
NFSC thống kê, nợ xấu chờ xử lý (nợ bán cho VAMC) và nợ xấu tiềm ẩn trong tái cơ cấu đang ở mức khá lớn. Tổng số nợ bán cho VAMC chưa xử lý được là 224.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 4,3% tổng tín dụng).
Cũng theo NFSC, mặc dù tỷ lệ nợ xấu đã về mức dưới 3% nhưng trên thực tế, quá trình xử lý nợ xấu thời gian qua còn chậm do việc xử lý nợ xấu thời gian qua chủ yếu do các ngân hàng tự xử lý thông qua việc trích lập dự phòng.
Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán Vietcombank (VCBS), trung bình mỗi năm, hệ thống trích lập 80.000 - 90.000 tỷ đồng. Nếu tiếp tục biện pháp này, ngành ngân hàng sẽ cần 6 - 7 năm nữa số dư nợ xấu hiện tại mới xử lý xong.
Vì vậy, thị trường đang chờ đợi những phương án mạnh tay và căn cơ hơn tới từ phía nhà điều hành. Một trong số đó là xây dựng một đạo luật riêng cho việc tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính, ngân hàng từng khẳng định đã đến lúc Quốc hội và NHNN nghiên cứu đạo luật riêng cho vấn đề này, đồng thời cần trao thêm quyền năng định đoạt các khoản nợ cho VAMC và xây dựng thị trường mua bán nợ.
Vừa qua, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng cho biết, Bộ Chính trị đã đồng ý để có luật mới hỗ trợ tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Dự thảo luật được dự kiến trình Quốc hội vào tháng 5/2017. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực và cũng là điều được hệ thống trông chờ trong thời gian tới.
Triển khai đề an tái cơ cấu ngân hàng yếu kém
Cùng với nợ xấu, việc tái cơ cấu các TCTD cũng là một trong những vấn đề tồn tại của hệ thống ngân hàng nhiều năm qua. Một trong những biện pháp chính tái cấu trúc hệ thống chính là thông qua việc mua bán – sáp nhập (M&A) giữa các TCTD.
Giai đoạn 2014 – 2015, thị trường từng chứng kiến một số thương vụ M&A giữa các NHTM như MHB sáp nhập vào BIDV, PG Bank sáp nhập vào Vietinbank ; Maritime Bank nhận sáp nhập Mekong Bank hay Sacombank nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank).
Tái cơ cấu ngân hàng được xem là nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 |
Đánh giá về hoạt động tái cấu trúc ngân hàng, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh thanh tra NHNN nói với báo chí, trong năm qua, thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập các ngân hàng, số lượng TCTD yếu kém đã được thu hẹp. Năng lực tài chính của hầu hết TCTD được nâng lên, các TCTD yếu kém được nhận diện.
Toàn bộ TCTD yếu kém đã được nhận diện, trong đó 3 ngân hàng 0 đồng (CB, Oceanbank và GP Bank), cùng với hai ngân hàng khác sẽ là trọng tâm xử lý của NHNN trong năm tới.
Cùng với dự thảo đề án xây dựng luật xử lý nợ xấu, đề án tái cấu trúc hệ thống giai đoạn 2016 - 2020 mà tiêu biểu là việc giải quyết 5 ngân hàng trên cũng đã được NHNN trình trình Chính phủ. Bộ Chính trị đã có kết luận chi tiết về 5 ngân hàng này. “Dự kiến, Thủ tướng sẽ xem xét phê duyệt trước khi NHNN triển khai vào đầu năm 2017” – ông Hưng chia sẻ.
Phương án niêm yết của các ngân hàng
Ngày 9/1 vừa qua, hơn 564 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) chính thức niêm yết trên UPCoM với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 17.000 đồng/cổ phiếu.
Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) cũng cấp giấy chứng nhận đăng ký gần 888 triệu cổ phiếu và mã chứng khoán TCB cho Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Ngoài ra, HĐQT Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng thông báo chốt danh sách cổ đông làm thủ tục đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Việc các nhà băng ồ ạt đăng ký làm thủ tục lên sàn thời gian qua xuất phát từ yêu cầu theo Thông tư 180 của Bộ Tài chính. Theo đó, tính đến hết năm 2016, tất cả các nhà băng đều phải lên sàn chứng khoán không phân biệt sàn chính thức hay UPCoM, nhằm nâng cao tính thanh khoản và minh bạch thông tin.
Tuy vậy, cho đến nay, số lượng ngân hàng khá khiêm tốn. Hiện, mới chỉ 10 ngân hàng niêm yết trên hai sở HOSE và HNX, đó là Vietcombank, VietinBank, BIDV, ACB, Sacombank, MBBank, Eximbank, SHB, NVB và VIB.
Như vậy, thời hạn của Thông tư 180 đã chấm dứt nhưng nhiều ngân hàng như TPBank, SaigonBank, VietBank, Maritime Bank... vẫn chưa có động thái thực hiện. Thị trường có thể lại cần sự can thiệp từ phía nhà điều hành qua một văn bản quy định khác thay vì chờ đợi sự chủ động từ phía các ngân hàng thương mại.