Bà Trương Mỹ Lan khai gì về loạt bất động sản bị kê biên?
Trong phiên xét xử giai đoạn 2 ngày 30/9, Hội đồng xét xử (HĐXX) tiếp tục xét hỏi các bị cáo liên quan đến phần dân sự, tài sản kê biên, phong tỏa.
Bà Trương Mỹ Lan đã khai về một số tài sản bất động sản. Cụ thể, đối với 16 quyền sử dụng đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè (có diện tích khoảng 1 ha thuộc dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển), bà Lan khai đây là tài sản của bạn (không tiện nói tên) cho mượn để tái cơ cấu ngân hàng SCB, người này trước đó đã bỏ ra 500 tỷ để mua các bất đông sản này. Do đó, bà Lan đề nghị bán tài sản để trả lại 500 tỷ đồng cho bạn, còn lại để khắc phục hậu quả.
Bà Lan cho biết đã giao 500 tỷ cho Nguyễn Ngọc Dương (nguyên Tổng Giám đốc Công ty SPG và Công ty VIPD) đi mua, và không biết ai đứng tên.
Theo thông tin trong bản án hình sự sơ thẩm, 16 quyền sử dụng đất này do Trần Duy Bình, Trần Tuấn Anh, Nhan Nhựt Phương đứng tên sở hữu. Ba cá nhân này khai góp tiền cùng ông Dương (đã chết) để mua các thửa đất này.
Liên quan đến 25 tỷ đồng đã đặt cọc để mua 8 bất động sản tại TP HCM, bà Lan khai các tài sản này thuộc dự án Tứ giác Amigo. Để tiết kiệm tiền, bạn bè bà Lan ứng tiền ra đền bù trước, sau khi xong pháp lý dự án mới bán lại cho bà Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Riêng 4 căn nhà tại phường Mỹ Long (TP Long Xuyên, An Giang), bà Trương Huệ Vân khai đã đặt cọc 5 tỷ để mua vào năm 2022, nhưng không trực tiếp giao dịch mà nhờ thư ký là Lâm Thị Thanh Tâm. Bà Vân cho biết đây là nguồn tiền tích lũy riêng, không liên quan đến vụ án. Đồng thời đề nghị được nhận lại tiền cọc để khắc phục hậu quả của vụ án vì việc gián đoạn giao dịch là khách quan do bị cáo bị tạm giam.
Đối với dự án diện tích khoảng 6,18 ha thuộc Khu đô thị phát triển An Phú (88,3 ha), bà Lan khai cho Nguyễn Văn Liêm (Tổng giám đốc Công ty địa ốc Thủ Thiêm) mượn để làm dự án, sau đó ông Liêm sẽ cho mượn dự án để tái cơ cấu SCB.
Bà Lan cho biết hiện ông Liêm vẫn chưa trả lại, đồng thời đề nghị nếu ông Liêm đồng ý đưa dự án cho làm thì bà Lan sẽ tìm nhà đầu tư, còn không thì ông Liêm trả lại và thêm tiền lời vì đã vay nhiều năm. "Bị cáo cho mượn tiền nhưng SCB có trách nhiệm giúp bị cáo đòi lại nên pháp lý hoặc giấy tờ dự án SCB sẽ biết", bà Lan trả lời HĐXX.
Về ba tài sản là nhà máy Tanifood (Tây Ninh), nhà máy Lavifood (Long An) và Xưởng sơ chế - bảo quản trái cây Hồng Nguyên Long, bị cáo Lan đề nghị giải tỏa để bán trả nợ cho hai ngân hàng (tài sản đang thế chấp), còn lại trả cho bị cáo để khắc phục hậu quả...
Cũng tại phiên tòa, liên quan đến các tài như như cổ phần tại Công ty Liên doanh TNHH Vietcombank – Bonday – Bến Thành; vốn góp 73,04% công ty Hợp Thành 1; 82% vốn góp tại FWD; Công ty Đông Dược 5; 82% vốn góp công ty Ngọc Viễn Đông; 13,23% cổ phần công ty Sao Thủy, bà Lan đề nghị HĐXX làm rõ, phần nào của cá nhân thì bà Lan tự nguyện dùng để khắc phục hậu quả vụ án, phần nào không phải thì xin trả lại cho người đừng tên theo quy định.
Đối với 100% cổ phần công ty Hòa Thuận Phát, bà Vân khai đây là công ty từ rất lâu của bà nội, con cháu đều đứng tên từ khi bà còn sống, trong đó có công ty Emaral mà bà Vân là đại diện pháp luật. Bà Vân đề nghị giải tỏa kê biên tài sản này, vì đây là công ty gia đình xuất phát từ xưởng đóng tàu nên muốn phát triển công ty để giữ gìn truyền thống gia đình.
Còn bà Lan khai đây là công ty của mẹ, công ty này chuyên đi đầu tư lấy tiền để xây dựng chùa chiền, riêng công ty này là nhà Trương Huệ Vân và Trương Lập Hưng chứ không liên quan công ty Vạn Thịnh Phát hay cá nhân bà Lan.