|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ba tiêu chí để Mỹ đánh giá chính sách tiền tệ của Việt Nam

16:24 | 10/05/2019
Chia sẻ
Mỹ sử dụng ba tiêu chí để đánh giá về chính sách tiền tệ của một quốc gia gồm thặng dư tài khoản vãng lai, thặng dư thương mại song phương với Mỹ và sự can thiệp vào thị trường ngoại hối.
Ba tiêu chí để Mỹ đánh giá chính sách tiền tệ của Việt Nam - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Vietcombank)

Bài viết của Bloomberg mới đây nhận định về việc Mỹ sẽ thực hiện đánh giá chính sách tiền tệ của Việt Nam, dự kiến sẽ có trong báo cáo Kho bạc hai năm một lần về ngoại tệ phát hành trong tháng này.

Mỹ sử dụng ba tiêu chí để đánh giá chính sách tiền tệ của một quốc gia gồm thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất là 20 tỉ USD, và can thiệp vào thị trường ngoại hối vượt quá ít nhất 2% GDP.

Việc Bộ Tài chính nước Mỹ giảm giới hạn thặng dư tài khoản vãng lai xuống 2% trong báo cáo mới nhất của mình đã dẫn đến danh sách theo dõi sẽ được mở rộng.

Ba tiêu chí để Mỹ đánh giá chính sách tiền tệ của Việt Nam - Ảnh 2.

Việt Nam và Mỹ có quan hệ ngoại giao và quan hệ kinh tế mạnh mẽ với tổng thương mại được chia sẻ gần 62 tỉ USD vào năm ngoái. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ.

Dưới đây, cách thức Việt Nam thực hiện theo ba tiêu chí được Kho bạc Mỹ sử dụng để đánh giá việc điều hành chính sách tiền tệ:

1. Thặng dư tài khoản vãng lai bằng 3% GDP

Thặng dư trên tài khoản vãng lai Việt Nam (sự khác biệt giữa xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ) bằng 3% GDP vào cuối năm ngoái, là năm thặng dư thứ 7 trong 8 năm trở lại đây. 

Sự thành công này nhờ phần lớn vào công cụ xuất khẩu trong nhiều năm qua trong khi một tầng lớp trung lưu đang đẩy mạnh việc tiêu dùng và nhập khẩu. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam là một trong những quốc gia phụ thuộc vào thương mại nhất trên thế giới với tỉ lệ xuất khẩu chiếm hơn 100% GDP.

Ba tiêu chí để Mỹ đánh giá chính sách tiền tệ của Việt Nam - Ảnh 3.

Trong khi các nước khác trong khu vực đang đấu tránh để chống lại suy thoái thương mại toàn cầu, Việt Nam lại có thể đạt được mức tăng xuất khẩu 7,5% trong tháng 4 so với cùng kì năm 2018, mức tốt nhất trong 5 tháng trở lại đây.

2. Thặng dư thương mại với Mỹ vượt 20 tỉ USD

Dữ liệu thặng dư thương mại Việt Nam với Mỹ đã vượt quá 20 tỉ USD kể từ năm 2014, đạt 39,5 tỉ USD vào năm ngoái với mức cao kỉ lục tính từ năm 1990, theo dữ liệu của Cục điều tra dân số Mỹ.

Ba tiêu chí để Mỹ đánh giá chính sách tiền tệ của Việt Nam - Ảnh 4.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thường xuyên sử dụng thước đo này như một bảng điểm, trước đây đã "bóc mẽ" Trung Quốc, Nga và Liên minh châu Âu (EU) vì đã điều chỉnh tiền tệ của họ và khiến các nhà xuất khẩu của My gặp bất lợi.

3. Can thiệp trên thị trường tiền tệ

Ngân hàng Trung ương Việt Nam (NHNN) cho phép tiền đồng giao dịch trong biên độ 3% theo tỉ giá trung tâm dựa trên 8 loại tiền tệ và được cung cấp mỗi ngày. Trong quá khứ trước đó, các nhà chức trách đã phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu và nền kinh tế.

Dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã tăng gấp đôi lên 55 tỉ USD trong ba năm tính đến cuối năm 2018, theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). NHNN đã mua khoảng 8,35 tỉ USD ngoại hối kể từ đầu năm để tăng dự trữ lên khoảng 69 tỉ USD trong tháng 5.

Trúc Minh