|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ba tháng 'kinh hoàng' tại Việt Nam của quỹ ngoại chuyên đánh game nâng hạng - Tundra

12:59 | 05/07/2018
Chia sẻ
Ba tháng thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sút, quỹ ngoại chuyên đánh game nâng hạng Tundra mất sạch thành quả kể từ đầu năm. 

Mất sạch thành quả từ đầu năm

Báo cáo kết quả đầu tư trong tháng 6 của quỹ đầu tư Tundra Vietnam Fund cho thấy NAV/đơn vị quỹ đạt 21,69 USD, giảm 4% trong tháng. Còn so với đầu năm, chỉ số này đã giảm 6,3%.

ba thang kinh hoang tai viet nam cua quy ngoai chuyen danh game tundra

Như vậy Tundra đã ghi nhận tháng thứ 3 liên tiếp sụt giảm NAV, tháng 4 và 5 trước đó quỹ báo giảm lần lượt 6,9% và 9,2%. Tổng giá trị tài sản quản lý tính đến hết tháng 6 đạt 123,1 triệu USD.

Cơ cấu cho thấy, chiếm tỷ trọng lớn nhất là lĩnh vực tài chính 22%, kế đến là bất động sản 20%, vật liệu chiếm 14%, tiêu dùng thiết yếu 11%…

ba thang kinh hoang tai viet nam cua quy ngoai chuyen danh game tundra

Các cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao nhất gồm có HPG (6,2%), VIC (5,9%), FPT và DXG (đều chiếm 5,8%), VNM (5,5%) và SSI (5%)...

Danh mục của Tundra trong tháng 6 ghi nhận màn trình diễn tốt nhất đến từ cao su Đà Nẵng (DRC) tăng 15,4%, Hoa Sen (HSG) tăng 13,4%, xây lắp điện (PC1) và Vigroup (VIC) tăng 11,4%...

Ở chiều ngược lại, những cổ phiếu có màn trình diễn tồi tệ nhất kéo tụt chỉ số gồm có LDG (giảm 27,8%), PNJ (giảm 22,4%), DXG (giảm 12,3%), SSI (giảm 11,6%) và VCB (giảm 11,1%).

ba thang kinh hoang tai viet nam cua quy ngoai chuyen danh game tundra
Tỷ trọng các cổ phiếu trong danh mục của Tundra kết thúc tháng 6

Điểm sáng, cổ phiếu VIC tăng trưởng trong tháng 6 đến từ việc phát triển nhanh chóng của VinFast, công ty sản xuất ô tô của Tập đoàn. Ngoài ra, việc VinFast tiến hành mua lại GM Việt Nam, bao gồm cả nhà máy và hệ thống phân phối khiến cho nhiều người tin rằng VinFast đang tiến rất gần đến việc bán ô tô với giá cả phải chăng.

Một cổ phiếu lớn khác là VNM vẫn đang thu hút nhà đầu tư nước ngoài mua vào, trong tháng 6, cổ đông lớn F&N đăng ký mua vào 14,5 triệu cổ phiếu tăng tỷ lệ sở hữu tại công ty.

Trong khi đó, sự điều chỉnh của một số phiên giảm điểm của FPT, LDG, HDB, PNJ gây tiêu cực cho kết quả kinh doanh chung.

Trong tháng 6, Tundra không thêm hoặc bớt bất kỳ cổ phiếu nào trong danh mục. Tỷ trọng tiền mặt cuối kỳ được tăng lên 3% so với -1% tháng trước đó, nhiều khả năng đây là thời điểm Tundra sử dụng margin.

Xu hướng bán tháo của khối ngoại từ tháng 5 có thể đã kết thúc

Theo báo cáo của Tundra, thị trường tháng 6 sụt giảm do lo ngại của nhà đầu tư với các yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Những vấn đề chính bao gồm, sự leo thang trong chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, nguy cơ mất giá tiền tệ khi USD tiếp tục mạnh lên và màn trình diễn kém cỏi của thị trường chứng khoán khu vực và trên thế giới.

Với tâm lý này, hầu hết các nhà đầu tư trong nước đều tỏ ra thận trọng, không vội vàng mua vào trừ khi thị trường rơi vào trạng thái bị bán quá mức.

Thị trường chứng khoán cũng bị tác động bởi việc MSCI không cập nhật Việt Nam vào danh sách theo dõi thị trường mới nổi. MSCI chỉ ra rằng, mặc dù có sự tiến bộ trong 12 tháng qua, tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về định lượng.

ba thang kinh hoang tai viet nam cua quy ngoai chuyen danh game tundra
Tundra duy trì sự lạc quan với kinh tế Việt Nam

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 6,1 triệu USD trong tháng 6, bao gồm cả cổ phiếu YEG mới niêm yết trên HOSE. Ngoại trừ việc tổng số tiền bán ròng khoảng 105 triệu USD, Tundra cho rằng những phiên mua ròng liên tục cuối tháng cho thấy xu hướng bán tháo của khối ngoại từ tháng 5 có thể đã kết thúc. Thanh khoản trên thị trường giảm xuống khoảng 242 triệu USD/ngày.

Về mặt định giá, thị trường Việt Nam đang giao dịch với P/E FW2018 là 17 và P/E FW2019 là 13,9, điều này khá hợp lý cho các hoạt động tăng trưởng dài hạn. Tuy nhiên Tundra cũng lưu ý, bất kỳ sự lo ngại nào về các rủi ro bên ngoài cũng có thể gây biến động thị trường trong ngắn hạn.

Về quan điểm vĩ mô, Tundra đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam vẫn ổn định và duy trì sự lạc quan. Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ở mức 7,08% (cao nhất trong 7 năm), GDP quý II tăng 6,79%.

CPI tăng nhẹ 0,61% trong tháng 6 do giá lương thực thực phẩm tăng, cùng với đó chi phí vận chuyển và giá dầu tăng. CPI 6 tháng duy trì ở mức 3,29% vẫn thấp hơn so với mục tiêu 4% cả năm.

Việt Nam duy trì thặng dư thương mại 2,57 tỷ USD trong nửa đầu năm, trong đó tổng giá trị thương mại tăng lên 225,3 tỷ USD (tăng 13%).

Tăng trưởng tín dụng 6 tháng được báo cáo ở mức 6,35% (so với mức 7,54% cùng kỳ năm ngoái), lãi suất cho vay ổn định do thanh khoản hệ thống ngân hàng lành mạnh.

VNĐ có mất giá so với đồng USD, theo đánh giá của Tundra đây là mức có thể chấp nhận được do đồng tiền của các quốc gia khác giảm mạnh hơn nhiều trong những tháng qua. Dòng vốn FDI lành mạnh, thặng dư thương mại thuận lợi cùng dòng kiều hối mạnh có thể hỗ trợ sự ổn định của VNĐ trong tình hình hiện tại.

Vốn đầu tư FDI trong 6 tháng đầu năm đạt 20,3 tỷ USD (tăng 5,7%), trong đó số vốn đã giải ngân là 8,37 tỷ USD (tăng 8,5%). Chỉ số PMI 6 tháng tăng lên 55,9, mức cao nhất trong vòng 8 năm, báo hiệu ngành sản xuất đang được cải thiện nhanh chóng nhờ vào số lượng đặt hàng mới, tổng sản lượng và nhu cầu việc làm.

Xem thêm

Bạch Mộc