|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ba thách thức năm 2024: Quá phụ thuộc vào FDI, nguồn nhân lực và 'cục máu đông' bất động sản

16:43 | 19/12/2023
Chia sẻ
Các chuyên gia cho rằng có ba thách thức rất lớn đối với nền kinh tế 2024. Với thách thức từ bên ngoài là việc phụ thuộc các thị trường xuất khẩu, khu vực FDI còn ở bên trong là vấn đề nguồn nhân lực hay việc chưa xử lý được "cục máu đông" trong lĩnh vực bất động sản.

Bàn về các động lực tăng trưởng của nền kinh tế tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 do Báo Người Lao động tổ chức sáng 19/12,TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Chính sách (VEPR) cho rằng năm 2023 Việt Nam vượt qua được vòng xoáy của nhiều cơn gió ngược đến từ kinh tế toàn cầu và các khó khăn trong nước.

Sau quý I/2023 tương đối ảm đạm, từ tháng 5 đã le lói những tín hiệu khởi sắc, tháng sau có những điểm khởi sắc hơn tháng trước. Các lĩnh vực đầu tư công, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và tiêu dùng đều khởi sắc hơn hồi đầu năm.

Nhìn vào cấu trúc các ngành, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III ước tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực dịch vụ, nhất là tiêu dùng nội địa đóng góp khoảng 75% - 80% của tăng trưởng năm 2023. Sang năm, cầu tiêu dùng vẫn là đóng góp chính cho tăng trưởng. Bên cạnh đó là sự lan tỏa của các gói đầu tư công, các gói kích cầu, xuất khẩu…

Ông Việt đánh giá chỉ tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,5% trong năm 2024 mà Quốc hội giao dù nhiều thách thức nhưng có thể đạt được. Cơ hội và thách thức đối với tăng trưởng kinh tế 2024 đan xen. 

Ba thách thức với nền kinh tế 2024

Đánh giá về những thách thức của nền kinh tế trong năm 2024, TS, Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên chính sách công tại Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Việt Nam chịu nhiều thách thức từ bên ngoài.

Xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào FDI khi khu vực này chiếm tới 70 - 75% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Giá trị tăng thêm và lợi nhuận của doanh nghiệp FDI chủ yếu chuyển về chính quốc nên chưa tạo ra nền kinh tế và lan tỏa nhiều cho nền kinh tế. 

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Chính sách (VEPR). (Ảnh: NLĐ).

Bổ sung thêm hai thách thức xuất phát từ vấn đề nội tại của kinh tế Việt Nam, TS. Nguyễn Quốc Việt nêu thách thức đầu tiên là điểm nghẽn của nguồn nhân lực khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Các doanh nghiệp Việt khi tham gia vào nấc thang cao hơn của chuỗi sản xuất thì phần giá trị gia tăng rất thấp. Trong các lĩnh vực đơn giản như nhuộm hay da giày, doanh nghiệp Việt đã có thể tự chủ 50 - 60% nhưng trong các lĩnh vực công nghệ cao thì tỷ lệ nội địa hoá rất thấp.

Trong lĩnh vực sản xuất, thương mại, các doanh nghiệp nội địa cũng còn nhỏ bé và thường trực nguy cơ bị "nuốt" bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, khu vực kinh tế không chính thức đang chịu sự tổn thương lớn, sức chống chịu của khu vực kinh tế này có vấn đề.

Thách thức thứ hai đến từ "cục máu đông" bất động sản. Nợ xấu trong bất động sản, trái phiếu mang đến những nguy cơ bất ổn về tài chính. Vấn đề này cần phải được giải quyết, ổn định kinh tế vĩ mô để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Vấn đề cải cách về thể chế, xử lý những khiếm khuyết trong hệ thống pháp luật vẫn là những điểm mấu chốt. Trong đó, ngoài những biện pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt cũng cần bảo đảm quyền tài sản, tự do kinh doanh cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Kích thích thị trường nội địa tạo động lực tăng trưởng

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: NLĐ).

 

 

Trong khi thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, cần tập trung kích thích thị trường nội địa, tạo động lực cho nền kinh tế vượt qua thách thức, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng những dấu hiệu gần đây cho thấy năm 2024 "cỗ xe tứ mã" gồm: Tiếp tục đổi mới, tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công có thể cải thiện hơn. 

Tuy nhiên, cần tập trung khai thác được thị trường bằng được thị trường nội địa. Đây là trọng tâm cân đối với chính sách nền kinh tế hướng về xuất khẩu và củng cố nội lực của nền kinh tế.

Thứ nhất, cần kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng bởi đây là công cụ quan trọng để kích cầu. Việc giảm thuế giá trị gia tăng nhiều hơn có thể ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước nhưng nếu tăng được sức mua thị trường nội địa thì cũng nên tính toán kỹ.

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn cũng đánh giá việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10 xuống 8% là cần thiết nhưng cần giảm với lộ trình đủ dài trong hai năm, thay vì giảm 6 tháng/lần theo kiểu "dò đá qua sông" sẽ khó tạo động lực cho thị trường. Bởi người dân chi tiêu còn phụ thuộc vào thu nhập dự kiến trong tương lai.

Vấn đề thứ hai được các chuyên gia đưa ra là cần mở rộng tín dụng tiêu dùng, rà lại toàn bộ tín dụng cho người mua bất động sản. Trong đó, gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội cần được đẩy mạnh để tạo đột phá kích cầu toàn diện. 

Thứ ba là kích cầu ngành du lịch. Năm 2023, TP HCM mà cụ thể là Sở Công Thương, Sở Du lịch triển khai nhiều chương trình kích cầu nhưng chúng ta cần nhiều chương trình quốc gia để nhiều tầng lớp tiêu dùng có điều kiện mua sắm, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Việt Nam đang chịu cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia trong khu vực, do đó nếu không có những chương trình kích cầu du lịchtổng thể thì không chỉ không thu hút được khách quốc tế mà khách nội địa cũng đổ xô sang các thị trường lân cận.

Điểm cuối cùng là Chính phủ cần tiếp tục tháo gỡ những vấn đề về thể chế. Bên cạnh việc đơn thuần là kích cầu theo phương pháp cũ, các chuyên gia cũng cho rằng cần có chính sách tiêu dùng mang tính bền vững. Giai đoạn này, kích thích tiêu dùng nội địa phải gắn với tiêu chí mới về tăng trưởng xanh, giảm thiểu carbon…

 

 

Hạ An

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.