Bà Phạm Minh Hương: VNDirect bị tấn công là tiếng chuông chánh niệm về tập trung nguồn lực đầu tư
Đó là chia sẻ của nữ chủ tịch Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) bên lề cuộc họp đại hội đồng cổ đông chiều nay (17/6). Mặc dù, đại hội không đủ túc số để tiến hành. Nhưng ban lãnh đạo của công ty đã có những chia sẻ liên quan đến hoạt động bán lẻ về hệ thống công nghệ sau sự cố bị hacker quốc tế tấn công cuối tháng 3.
Trả lời câu hỏi vì sao thị phần môi giới của VNDirect sụt giảm, bà Minh Hương cho biết hiện nay giao dịch có ba đối tượng.
Đối tượng thứ nhất là tổ chức, hegde fund của nước ngoài. Đối tượng thứ hai là nhà đầu tư chuyên nghiệp, quỹ trong nước. Thứ ba là nhà đầu tư cá nhân.
“Từ trước đến giờ thì đối tượng nhà đầu tư cá nhân chiếm lớn trên nền tảng giao dịch. Chúng tôi nhận diện vòng đời (life cycle) của một khách hàng ở một công ty chứng khoán là 2 năm. Vì vậy, chúng tôi đánh giá và mong muốn có lựa chọn cho nhà đầu tư, với nhà đầu tư cá nhân, không chỉ là giao dịch mà là xây dựng hệ sinh thái dịch vụ đầu tư để nhà đầu tư lựa chọn, có hành trình để bảo vệ rủi ro tài sản”, Chủ tịch của VNDirect chia sẻ về chiến lược của công ty.
Tuy nhiên, người đứng đầu của VNDirect cũng bộc bạch chiến lược trên không mấy dễ dàng khi nhiều sản phẩm bị hạn chế, thiếu khung pháp lý.
“Với giao dịch, trong cả năm vừa qua, chúng tôi rất băn khoăn làm thế nào để cung cấp sản phẩm cho nhà đầu tư giao dịch chứng khoán bởi vì thị trường bây giờ không chỉ là mỗi margin, còn liên quan đến việc vay cổ phiếu… Tuy nhiên, hệ thống KRX cũng chưa vào. VNDirect là một công ty chứng khoán rất lớn nên không cho phép chúng tôi làm những cấu trúc tài chính mà đi ngược lại quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước”, bà Hương nói.
Vì vậy, theo chia sẻ, VNDirect rút lại nhiều sản phẩm cấu trúc tài chính mà đã từng làm ở những năm trước kia.
“Ở mảng khách hàng giao dịch, chúng tôi bị mất khá nhiều khách hàng. Chúng tôi buộc phải lựa chọn vì rủi ro cơ chế, hiện nay luật pháp chưa rõ ràng, Ủy ban Chứng khoán cũng có trao đổi rất nhiều với ban lãnh đạo của công ty, nhưng mà quy định hiện nay chưa đủ để cung cấp cấu trúc cho giao dịch chứng khoán ở mức nhu cầu của nhà đầu tư như T+0… Chúng tôi tin rằng khi thị trường được nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ đưa vào prefunding giúp thị trường giao dịch đầu tư”.
Liên quan đến hệ thống công nghệ và sự cố như vừa qua, bà Hương cho biết “khi rủi ro xảy ra thì mình mới hình dung nó là cái gì”.
“Nói thật, hiểu biết của tôi về rủi ro trong kỷ nguyên số này hơi xa so với thực tế mà thế giới đang phải đối diện. Một điều rất may là chúng ta đã trải qua và vượt qua, cho nên đó là điều may mắn”, vị chủ tịch của VNDirect trải lòng.
Góc nhìn của vị lãnh đạo này, việc VNDirect bị tấn công là một điều không may nhưng cũng là một điều may mắn bởi vì nó là tiếng chuông chánh niệm về tập trung nguồn lực đầu tư.
Trước đó, VNDirect tập trung nguồn lược đầu tư về nguồn lực hạ tầng để đảm bảo tốc độ của lệnh, các tính năng. Tức công ty đầu tư nhiều hơn vào tính năng của software nhiều hơn là hạ tầng, an ninh thông tin.
Khi xảy ra vụ VNDirect, công ty tham vấn được nhiều chuyên gia cao cấp để làm thế nào để bảo vệ hệ thống trong tương lai. Tuy nhiên, không chỉ là bảo vệ, đây là cuộc chiến không cân sức. Khi xảy ra thì chúng ta làm thế nào để nhanh nhất có thể, bà Hương cho biết.