|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bà Phạm Chi Lan: Vốn vay Trung Quốc chèn ép doanh nghiệp bản địa

14:15 | 29/11/2016
Chia sẻ
Đó là ý kiến của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tại buổi báo cáo nghiên cứu Đánh giá về tác động của vốn vay Trung Quốc được tổ chức tại Hà Nội ngày 29/11.
ba pham chi lan von vay trung quoc chen ep doanh nghiep ban dia
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vay vốn Trung Quốc. Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp.

Trước nhiều ý kiến trái chiều bình luận vấn đề có hay không nên vay vốn Trung Quốc, Trung tâm nghiên cứu An ninh và Chiến lược quốc tế, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới và Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, VERP tổ chức ngày 29/11.

Gánh nặng cho phát triển trong nước

Bình luận tại hội thảo, chuyên gia Phạm Chi Lan đồng ý với quan điểm vốn vay Trung Quốc dễ nhưng không rẻ của nhóm nghiên cứu. Bà Lan cho rằng, gánh nợ của Trung Quốc trên thực tế thường lớn hơn rất nhiều so với vốn vay ban đầu. Bà chứng mình từ dự án cao tốc Cát Linh - Hà Đông rất nhiều lần đội vốn, mới đây Việt Nam vừa vay thêm 250 triệu USD nữa thể thực hiện.

Trước đó, TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc cho biết nhà thầu tuyên bố sẵn sàng trích 50% cho quyết định dự án. Như vậy, theo bà Lan thiệt hại cho người dân đóng thuế, còn nhà thầu hay người quyết định dự án được hưởng lợi.

TS Thành cung cấp thêm, dù vốn vay cho các dự án bằng 0 thì các điều khoản về lao động, nhà thầu từ phía Trung Quốc cũng làm giảm bớt lợi ích mà dự án mang lại. Chuyên gia Phạm Chi Lan đặc biệt lo ngại về vấn đề này. Bà cho rằng, chính việc vay vốn Trung Quốc đang góp phần chèn ép sự phát triển của các doanh nghiệp nội địa.

Bà chứng minh, dự án cao tốc tại Quảng Ninh với số vốn 300 triệu USD dự tính vay vốn Trung Quốc trước đây doanh nghiệp nội địa hoàn toàn có khả năng thực hiện. Cách huy động vốn trong dân tốt nhất là đề doanh nghiệp trong nước thực hiện dự án, thay vì phụ thuộc từ bên ngoài.

"Doanh nghiệp tư nhân không thể chịu nổi 50% chi phí bôi trơn như phía Trung Quốc. Vay vốn Trung Quốc là cách chèn ép doanh nghiệp bản địa không lớn lên được", bà Lan khẳng định.

Bên cạnh đó, theo bà Lan vay vốn Trung Quốc cũng phá hỏng quy hoạch phát triển của các nước. Khi nhà máy Trung Quốc vào, Việt Nam sẵn sàng hủy bỏ 1 hoạch định trước để tạo điều kiện cho họ thực hiện dự án, đơn cử như Formosa. Hay khi mở dự án thép Cà Ná, quy hoạch ngành điện phải điều chỉnh để theo phục vụ dự án thép. "Như vậy, quy hoạch các ngành khác cũng bị ảnh hưởng và không phát triển được. Đầu tư cho ngành điện thêm nhưng người hưởng lợi chính lại là dự án Cà Nà", bà Lan nói.

“Tôi rất buồn vì tâm lý không sẵn sàng tốt nghiệp ODA của chúng ta rất lớn. Vì thế tiềm năng của mình lại để nước ngoài khai thác, chúng ta dựa vào bên ngoài trong khi không tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân trong nước”, chuyên gia Phạm Chi Lan chia sẻ.

Còn nhiều nguồn vốn khác

TS Phạm Sỹ Thành cho rằng, cơ chế vay vốn Trung Quốc khá lỏng lẻo nhưng các dự án vay Trung Quốc chưa xử lý được vấn đề phát thải ô nhiễm, chống tham nhũng. Và việc không nhận thức được hết tác động của ô nhiễm từ vốn Trung Quốc đã và đang ảnh hưởng mạnh đến môi trường, xã hội và cả quy hoạch phát triển.

TS Thành nhận mạnh, tiếp tiếp cận vốn Trung Quốc để nhận được nguồn vay dễ dàng thì sẽ không lường trước được hậu quả.

Vị chuyên gia cho rằng, cần cân nhắc và thận trọng khi vay vốn từ Trung Quốc và không nên quá sốt sắng về điều này. "Việt Nam vẫn còn có nhiều nguồn vốn chất lượng cao từ Nhật Bản cũng như các định chế tài chính khác để giải quyết bài toán đầu tư", ông Thành nói.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ chia sẻ phải thật cẩn trọng với vấn đề kinh tế, môi trường, chính trị tác động từ vốn vay Trung Quốc. Theo ông, trước hết nên ưu tiên nguồn vay từ WB, ADB… rồi mới đến nguồn vốn vay từ quốc gia này. Còn chuyên gia Phạm Chi Lan một lần nữa khẳng định nên tìm cách kích thích đầu tư trong nước hơn nữa thay thế nguồn vốn ODA phụ thuộc ấy.

Thái Hoàng