Ba nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành mục tiêu phát triển ngành cá tra 2018
Có lần thứ ba may mắn cho cá tra Việt Nam? | |
Lý giải câu chuyện cá da trơn của Việt Nam ngày càng rẻ |
Tại hội nghị này, sau khi nghe báo cáo của Tổng cục Thủy sản, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) và các ý kiến tham luận, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám kết luận, năm 2017 ngành cá tra đã rất nỗ lực vượt qua thách thức đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1,78 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2016. Kết quả này là thành tính chung của ngành thủy sản, trong đó có đóng góp của các DN, người nuôi cá tra, các Hội, Hiệp hội ngành hàng cùng với sự chỉ đạo sát sao của Bộ NN&PTNT và của các địa phương.
Năm 2018 sẽ có nhiều áp lực đối với ngành hàng cá tra khi Hoa Kỳ đồng thời áp mức thuế CBPG cao và chương trình giám sát cá da trơn, rào cản kỹ thuật, thương mại từ các thị trường. Tuy nhiên, ngành hàng cá tra cũng có những thuận lợi như: giá cá tra cao và ổn định trong năm 2017 và 3 tháng đầu năm 2018 cũng tạo động lực cho người nuôi, DN đầu tư sản xuất, sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ ngành và các địa phương.
Để hoàn thành kế hoạch và mục tiêu của ngành, các đơn vị, địa phương cần tích cực triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Về kiểm soát chất lượng cá tra giống
Các địa phương cần tăng cường chỉ đạo hoạt động sản xuất, cung ứng giống để có đủ giống cá tra chất lượng cao phục vụ sản xuất, hạn chế tình trạng khan hiếm con giống và nguyên liệu phục vụ chế biến.
Thứ trưởng giao Tổng cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với các địa phương triển khai có hiệu quả đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp và tăng cường công tác kiểm tra cơ sở sản xuất giống, ương dưỡng giống và kiểm tra chất lượng giống cá tra; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh giống và công bố công khai trên website của Tổng cục Thủy sản.
Giao Tổng cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II và các địa phương có liên quan tiếp tục rà soát đàn cá tra bố mẹ chọn giống để cân đối giữa các địa phương. Đồng thời, cập nhật, hiệu chỉnh Quy trình ương giống và tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật cho các địa phương sản xuất giống cá tra trọng điểm ngay từ tháng 4/2018 nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả ương giống.
Giao Cục Thú y xây dựng chương trình mở rộng giám sát dịch bệnh trên vùng ương nuôi cá tra giống.
Bộ NN&PTNT khuyến khích các DN đầu tư nghiên cứu hoặc liên kết với các cơ quan nghiên cứu khoa học có uy tín trong và ngoài nước để chọn tạo giống cá tra chất lượng cao và liên kết với các cơ sở sản xuất, ương, nuôi thương phẩm tại các tỉnh ĐBSCL.
Về quản lý nuôi cá tra thương phẩm và phát triển bền vững
Các địa phương cần tăng cường quản lý, tổ chức sản xuất theo chuỗi, thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 55/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 về quản lý nuôi, chế biến, XK cá tra để duy trì chất lượng, giá trị sản phẩm và hạn chế việc mất cân đối cung cầu trong nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cá tra.
Giao Tổng cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh nuôi cá tra và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thả nuôi, việc tuân thủ các quy định về điều kiện sản xuất tại Nghị định số 55/2017/NĐ-CP; xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn quy trình kỹ thuật, rà soát, cập nhật thông tin về hoạt động sản xuất cá tra vào cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thủy sản.
Giao Cục Thú y tiếp tục mở rộng chương trình giám sát dịch bệnh cho các tỉnh nuôi cá tra trọng điểm.
Đề nghị UBND các tỉnh ĐBSCL chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan sớm thực hiện việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch cho phừ hợp để quản lý tốt hoạt động nuôi, chế biến, XK cá tra theo quy định.
Về quản lý chất lượng sản phẩm và phát triển thị trường
Giao NAFIQAD chủ trì, phối hợp các đơn vị, địa phương có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm cá tra phile theo quy định tại Thông tư 07/2017/TT-BNNPTNT ngày 21/3/2017.
Giao NAFIQAD chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thủy sản và các địa phương chuẩn bị thật tốt cho đoàn thanh tra thực tế đánh giá tương đương của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Trước mắt, cần rà soát danh sách các DN đăng kí XK sản phẩm cá tra vào Hoa Kỳ và chủ động lập đoàn kiểm tra điều kiện sản xuất, hồ sơ của các cơ sở này, kịp thời hướng dẫn khắc phục các lỗi vi phạm (nếu có).
Giao NAFIQAD tham mưu lãnh đạo Bộ làm việc với các Bộ, ngành liên quan bàn giải pháp tăng cường XK chính ngạch cá tra sang Trung Quốc và có biện pháp kiểm soát chất lượng sản phẩm đối với hoạt động XK tiểu ngạch để bảo vệ uy tín cho ngành cá tra. Đồng thời, tiếp tục đấu tranh để mở cửa lại thị trường Ảrập Xêút.
Giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản chủ trì, phối hợp với VASEP và các đơn vị liên quan đẩy mạnh các chương trình xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, truyền thông nhằm phát triển thị trường.