|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

ASEAN là địa chỉ mở rộng kinh doanh hàng đầu cho các công ty Fintech

08:57 | 14/12/2020
Chia sẻ
Bất chấp những khó khăn do COVID-19, khoảng 78% công ty công nghệ tài chính (Fintech) ở ASEAN, bao gồm cả Việt Nam, sẽ tiếp tục kế hoạch mở rộng trong thời gian tới.
ASEAN là địa chỉ mở rộng kinh doanh hàng đầu cho các công ty Fintech - Ảnh 1.

ASEAN là địa chỉ mở rộng kinh doanh hàng đầu cho các công ty Fintech. (Ảnh: pulse.ng).

Theo Báo cáo “Fintech ở ASEAN: Thức giấc, lấy đà, chạy!” do Ngân hàng United Overseas Bank (UOB), Công ty PwC và Hiệp hội Fintech Singapore thực hiện, ASEAN là lựa chọn hàng đầu cho kế hoạch mở rộng thị trường của 78% các công ty tài chính, AsiaOne cho hay. Đây cũng là địa chỉ mở rộng kinh doanh hàng đầu cho 69% các công ty Fintech đến từ ngoài khu vực.

Sự lạc quan này đến từ xu hướng số hóa trong ASEAN giữa bối cảnh dịch bệnh, với hơn 40 triệu người dùng Internet mới mỗi năm. 70% dân số ASEAN hiện nay dùng Internet và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thập kỉ tới khi các dịch vụ số như chợ online trở nên phổ biến.

Xu hướng mang tính vĩ mô này tạo cơ hội cho các công ty Fintech trong khu vực ASEAN cung cấp cho người dân những giải pháp tài chính số trong các lĩnh vực như thanh toán hay cho vay thay thế.

Một cách thức mà các công ty Fintech có thể mở rộng dịch vụ ở ASEAN là thông qua việc hợp tác với các ngân hàng để kết hợp sức mạnh của các bên, bao gồm các điểm dịch vụ khách hàng của các ngân hàng và năng lực công nghệ của các công ty Fintech.

Cũng theo báo cáo này, các công ty Fintech tiếp tục lạc quan về tương lai dù hoàn cảnh dịch bệnh. Khoảng 2/3 các công ty này cho rằng dịch bệnh không ảnh hưởng xấu hoặc thậm chí ảnh hưởng tích cực tới việc gọi vốn trong tương lai của họ và đầu tư giai đoạn sau.

Đa số công ty Fintech ở ASEAN (87%) cho biết, họ đang đi đúng kế hoạch để đảm bảo doanh nghiệp hoạt động hiệu quả sau dịch, tập trung vào sáng tạo sản phẩm và tăng trưởng doanh thu trong năm tới.

Ông Chia Hock Lai, Chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore, chia sẻ rằng có những lí do rõ ràng cho việc các công ty Fintech ở ASEAN tiếp tục lạc quan về tương lai khi dịch COVID-19 đẩy nhanh việc ứng dụng tài chính số bởi người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Để nắm bắt được cơ hội tăng trưởng trong vùng, các công ty Fintech cần linh hoạt trong việc điều chỉnh sản phẩm và mô hình kinh doanh để hoàn thiện, bao gồm việc hợp tác với các định chế tài chính truyền thống để phát triển nhanh trong môi trường năng động nhưng khác biệt trong khu vực ASEAN.

Theo báo Công thương, tại Việt Nam, lĩnh vực Fintech đang trong đà phát triển mạnh, thu hút chú ý của giới đầu tư. Theo báo cáo chung năm 2019 của PwC, UOB và Hiệp hội Fintech Singapore, lượng vốn đầu tư cho các công ty Fintech tại Việt Nam chiếm 36% so với cả khu vực Đông Nam Á, chỉ đứng sau Singapore (51%).

Thị trường Fintech của Việt Nam đang dự báo trị giá 9 tỉ USD vào năm 2020, trở thành thị trường lớn thứ 4 của ASEAN.

Sự quan tâm đầu tư vào các công ty Fintech của Việt Nam, đặc biệt nhất là trong lĩnh vực thanh toán, được thúc đẩy bởi tiềm năng kinh doanh với qui mô dân số lớn, thị trường tương đối thuận lợi với sự hỗ trợ từ Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu trở thành một nền kinh tế không tiền mặt, thúc đẩy thanh toán di động và kĩ thuật số, cũng như tỉ lệ thâm nhập Internet và di động cao tại Việt Nam.

Tường Vy