|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Áp thuế Trung Quốc, thị trường gỗ 30 tỉ USD rộng cửa với Việt Nam

16:15 | 01/05/2017
Chia sẻ
Trung Quốc đang chiếm tới 37% thị phần đồ gỗ nhập khẩu ở Mỹ và là đối thủ lớn của Việt Nam ở thị trường quan trọng này.
ap thue trung quoc thi truong go 30 ti usd rong cua voi viet nam
Dự báo xuất khẩu gỗ có nhiều tín hiệu khởi sắc thời gian tới

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong quý 1/2017, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam đạt 1,78 tỉ USD, tăng 17,1% so cùng kỳ năm ngoái. Với giá trị này, gỗ và sản phẩm gỗ đang dẫn đầu về giá trị xuất khẩu trong các nhóm hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam.

Trong khi năm 2016, xuất khẩu gỗ tăng trưởng khá thấp, chỉ đạt xấp xỉ 7 tỉ USD. Nhưng từ đầu năm 2017 đến nay, xuất khẩu mặt hàng này đã lấy lại đà tăng trưởng khá tốt của những năm trước đây và đang hướng tới mục tiêu 7,5 tỉ USD.

Điều đáng nói nhất là mức tăng trưởng 17,1% không chỉ cao hơn hẳn so với 1,1% của cả năm ngoái mà còn tương đương với mức tăng trưởng cao của ngành gỗ trong một số năm trước đây. Đây là mức tăng trưởng cần thiết để giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sớm đạt tới ngưỡng 10 tỉ USD - mục tiêu các cơ quan liên quan và cả ngành gỗ đặt ra vào năm 2020.

Trên thực tế, giới chuyên gia nhận định rằng năm 2017 sẽ đem lại một số cơ hội mới cho ngành gỗ Việt Nam. Trước hết là việc sản phẩm gỗ từ Trung Quốc bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá. Hiện nay, Trung Quốc đang chiếm tới khoảng 37% thị phần đồ gỗ nhập khẩu ở Mỹ và là đối thủ lớn của Việt Nam ở thị trường quan trọng này (thị trường đồ gỗ Mỹ trị giá khoảng 30 tỉ USD/năm).

Do đó, việc đồ gỗ Trung Quốc bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá sẽ khiến cho các đơn hàng từ Mỹ dịch chuyển sang các nước xuất khẩu gỗ ở khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam, mà Việt Nam lại đang là nước xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất ở ASEAN. Do đó, cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam tận dụng đơn hàng từ Trung Quốc chuyển sang là rất lớn, nhất là đồ gỗ nội thất.

Bên cạnh đó, hàng loạt hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết với các nước và khu vực trong thời gian qua cũng đang tạo cơ hội lớn về thị trường cho ngành gỗ. Điển hình như việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hàn Quốc đang có sự tiến triển rất tốt kể từ sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực.

3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hàn Quốc đạt 143,84 triệu USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2016, dù kim ngạch xuất khẩu gỗ cả nước chỉ tăng nhẹ 1,1% so năm 2015, nhưng giá trị đồ gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Hàn Quốc vẫn tăng trưởng tốt ở mức 15,3%.

Theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, quan hệ thương mại mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ giữa Việt Nam với Hàn Quốc sẽ tiếp tục phát triển nhanh trong những năm tới nhờ sự kết nối trên nhiều mặt từ chính trị, ngoại giao đến đầu tư, thương mại giữa 2 quốc gia nói riêng và hội nhập thị trường nói chung. Nếu loại bỏ được nguồn gỗ nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, các loại gỗ có độ rủi ro cao trong các sản phẩm xuất khẩu, ngành gỗ Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội mở rộng, phát triển thị trường ở Hàn Quốc.

Nhu cầu của thị trường thế giới về một số mặt hàng gỗ có giá trị cao cũng là một yếu tố quan trọng cho việc gia tăng giá trị xuất khẩu gỗ. Ví dụ, mặt hàng đồ nội thất được đánh giá sẽ có sự tăng mạnh về nhu cầu trên toàn thế giới trong năm 2017. Nắm bắt được cơ hội này, nhiều doanh nghiệp gỗ Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư về công nghệ hiện đại theo hướng tự động hóa, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng các đơn hàng.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, để đẩy mạnh xuất khẩu gỗ trong năm 2017, hai giải pháp lớn cần được đề ra. Thứ nhất là chọn ưu tiên phát triển mặt hàng ván nhân tạo vì mặt hàng này hoàn toàn sử dụng gỗ rừng trồng trong nước. Nhiều doanh nghiệp gỗ Việt Nam cũng đủ điều kiện, công nghệ để sản xuất sản phẩm này.

Thứ hai là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu theo hướng tập trung nhiều hơn vào các thị trường đang có nhiều tiềm năng như: Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Đông…

Tuyết Nhung

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.