|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Áp lực xả gia tăng khi cổ phiếu bị cắt giảm margin, NĐT buộc bán ra cơ cấu danh mục

17:25 | 10/08/2023
Chia sẻ
Khi các doanh nghiệp báo lỗ trong báo cáo tài chính soát xét bán niên, HOSE và nhiều công ty chứng khoán cắt margin, gia tăng áp lực bán trên thị trường.

Trong hai phiên giao dịch ngày (9 – 10/8), thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh giảm, mức tổng 21,62 điểm. Đây là hai phiên giảm sâu nhất của VN-Index kể từ chân sóng tăng giá tuần cuối tháng 3.

Đợt điều chỉnh của thị trường được nhiều công ty chứng khoán đưa ra trong báo cáo chiến lược thị trong tháng 8. Đây là xu hướng được cho là tất yếu vì chỉ số đã có nhịp tăng khá dài, chỉ tính riêng trong tháng 7 ghi nhận mức tăng vọt hơn 100 điểm.

Trong nhịp lên của thị trường, dòng tiền đảo lớp giữa các nhóm cổ phiếu, tạo ra những nhóm dẫn dắt. Trong những phiên giao dịch gần đây nhất, sự thăng hoa của cổ phiếu “họ Vingroup”, nhóm bất động sản đóng vai trò giữ nhịp thị trường.

Riêng trong phiên giao dịch ngày hôm nay (10/8), sắc xanh của cổ phiếu VIC giúp chỉ số không giảm điểm sâu. Chiều lược lại, nhiều mã vốn hóa lớn nhóm ngân hàng, thực phẩm đồ uống giảm mạnh tác động tiêu cực lên VN-Index như BID, VCB, MSN, CTG, GVR, HPG, BCM.

Sắc đỏ áp đảo trên cả hai sàn và thị trường UPCoM. Với sàn HOSE, phiên giao dịch hôm nay có 371 mã giảm, 118 mã tăng và 45 mã đứng giá tham chiếu. Sàn HNX có 125 giảm gần gấp đôi số mã đi ngược (64 mã). Thị trường UPCoM có sự cân bằng hơn với 167 cổ phiếu đóng cửa dưới mốc tham chiếu và 141 mã giữ giá trên mốc này.

 Nhiều cổ phiếu giảm sâu trong phiên giao dịch ngày 10/8. Nguồn: SSI Iboard.

Quan sát trên sàn HOSE, nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa giảm sâu phiên hôm nay, trong đó có những mã đóng cửa tại mức giá sàn (APG, GIL, AGM), số khác giảm giá trên 4% như DBC, FRT, NHA, KSB, PHC, BAF, TCH.

Hiện tượng giảm sâu ở nhiều cổ phiếu midcap liên quan đến việc các công ty chứng khoán cắt margin khi HOSE loại những mã này khỏi danh sách được cho vay ký quỹ. Theo quy định về điều kiện cho vay ký quỹ, những công ty công bố lỗ trong báo cáo soát xét bán niên hoặc kiểm toán năm, cổ phiếu sẽ bị loại khỏi danh sách margin.

Mới đây nhất, cổ phiếu FRT của FPT Retail bị HOSE đưa vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Nhiều công ty chứng khoán ngay sau đó đã ra thông báo cắt margin cổ phiếu này. Phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu FRT giảm 4,5% với khối lượng khớp lệnh hơn 2,4 triệu cp, gần gấp đôi 2 phiên trước đó.

Với trường hợp của GIL của Gilimex, công ty báo lỗ trong hai quý đầu năm, cổ phiếu sẽ sẽ bị cắt margin sau khi công bố báo cáo soát xét bán niên. Áp lực bán khiến cổ phiếu GIL giảm sàn xuống còn 30.600 đồng/cp phiên hôm nay.

Ngoài hai trường hợp trên, danh sách công ty báo lỗ trong nửa đầu năm nay kéo dài với các cái tên khác trong nhóm bất động sản, phân bón, thép, vật liệu xây dựng… Sau khi các doanh nghiệp công bố báo cáo soát xét bán niên, danh sách những mã không được cấp margin trên thị trường sẽ được nối dài hơn.

Trong bối cảnh nguồn margin tăng trưởng mạnh trong quý II khi thị trường thăng hoa, lực bán ở những cổ phiếu sẽ góp phần gia tăng áp lực trên thị trường chung.

Trên thực tế, ngay sau khi các công ty công bố kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong quý II hoặc nửa đầu năm, một số công ty chứng khoán đã điều chỉnh giảm tỷ lệ cho vay hoặc giá chặn (mức giá tối đa để xác định giá trị do vay) để quản trị rủi ro. Song, hiện tượng bán bất ngờ ở một số cổ phiếu vẫn xảy ra sau khi có công bố chính thức.

Để tránh trường hợp bị động, rơi vào tình thế bắt buộc phải bán ra để cơ cấu danh mục tránh hiện tượng bán lan, nhà đầu tư có thể lựa chọn giảm tỷ trọng ở những mã có khả năng bị đưa vào danh sách bị cắt margin. Phương án này còn giúp cho nhà đầu tư tránh việc bán ra trong những phiên giảm sâu kích hoạt khả năng bán bất chấp bằng mọi giá.

Hoàng Linh