|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Áp lực lên lợi suất trái phiếu Chính phủ dưới góc nhìn lạm phát

10:35 | 06/06/2019
Chia sẻ
Lạm phát có xu hướng gia tăng gây nên những áp lưc về lợi suất trái phiếu Chính phủ trong năm 2019.

Mới đây, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã có báo cáo đánh giá về những áp lực lên lên lợi suất trái phiếu Chính phủ dưới góc nhìn lạm phát.

Theo VDSC, trong năm 2019, kho bạc Nhà nước (KBNN) tăng mạnh kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) sau 2 năm liên tiếp không đạt kế hoạch đề ra. Báo cáo cho rằng, điều này chủ yếu do lợi tức TPCP các kỳ hạn đều đã giảm rất mạnh trong các năm trước đó. Đặc biệt, lợi tức TPCP kỳ hạn 5 năm đang ở mức 3,6%/năm, có thể thấp hơn mức lạm phát, dự báo 3,8% trong năm 2019.

VDSC chỉ ra hai nguyên nhân cho việc tăng mạnh phát hành TPCP. Thứ nhất, lượng trái phiếu đáo hạn tăng mạnh lên gần 120 nghìn tỉ đồng trong năm 2019. Thứ hai, kế hoạch bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) tiếp tục tăng trong năm nay lên 222 nghìn tỉ đồng từ 204 nghìn tỷ đồng năm 2018. VDSC cho rằng qui mô phát hành TPCP sẽ dao động trên 60 nghìn tỉ đồng trong các quí tới.


Lợi suất Trái phiếu Chính phủ sơ cấp thấp hơn lạm phát

Một điều được VDSC quan tâm và đề cập nhiều trong báo cáo là chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ kì hạn 5 năm liên tục giảm và thấp hơn lạm phát. Dự báo lạm phát năm 2019 sẽ tiếp tục xu hướng tăng trước đó và đạt 3,8%. Do đó, diễn biến lạm phát trong năm có thể sẽ tác động đáng kể tới lợi tức trái phiếu kì hạn 5 năm, đặc biệt khi kế hoạch phát hành năm nay tăng khá cao so với 2018. 

Sau khi tăng trở lại trong cuối năm 2018, lợi tức trái phiếu kỳ hạn 5 năm đã quay đầu giảm đáng kể tại thời điểm quí I/2019 và đang dao động quanh mức 3,8%.

Bên cạnh lạm phát, việc thanh khoản trong hệ thống ngân hàng thu hẹp trong bối cảnh các yếu tố an toàn và ổn định tài chính như tăng vốn, giảm rủi ro kì hạn được ưu tiên cũng tạo sức ép lên lợi tức TPCP. Theo đó, lợi tức TPCP nhiều khả năng sẽ đi ngang trong quí II/2019 trước khi cân nhắc khả năng tăng trở lại vào cuối 2019.

 Đường lợi suất Trái phiếu Chính phủ kì hạn 5 và Chênh lệch lợi suất Trái phiếu 5 năm với lạm phát

Áp lực lên lợi suất trái phiếu Chính phủ dưới góc nhìn lạm phát  - Ảnh 1.

Nguồn: VDSC

Lợi tức Trái phiếu Chính phủ thứ cấp vẫn ở mức thấp

Trong quí I/2019, mặt bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ nhìn chung tăng trở lại so với cùng kì nhưng giảm tương đối so với thời điểm cuối năm 2018. VDSC cho rằng, lãi suất liên ngân hàng giảm so với cuối năm giúp cho lợi suất trái phiếu các kì hạn ngắn giảm mạnh, trong khi lợi suất các kì hạn trên 10 năm chỉ giảm khi lãi suất liên ngân hàng duy trì xu hướng giảm một thời gian.

Báo cáo phân tích nhận định diễn biến giao dịch trái phiếu và biến động lợi tức trên thị trường thứ cấp trong quí I/2019 nhìn chung cũng được hỗ trợ từ bối cảnh rủi ro địa chính trị dịu bớt. Độ biến động lợi tức trái phiếu giảm dần và ít ghi nhận những phiên thay đổi đột ngột.

Mặt bằng lợi tức phát hành trái phiếu doanh nghiệp ổn định

VDSC dẫn thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất huy động kì hạn trên 12 tháng trong khoảng 6,6%  -7,3%/năm còn lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 9% - 11%/năm. 

Trên thị trường, ngoài khối ngân hàng có thể phát hành TPDN với lợi tức quanh 7,5%/năm, báo cáo phân tích ghi nhận sự tham gia ngày càng nhiều của các định chế tổ chức quốc tế lớn đóng vai trò bảo lãnh phát hành. Các trường hợp điển hình phải kể đến như CTCPĐầu tư Thế giới di động (MWG), CTCP Tập đoàn Masan (MSN), v.v... với lợi tức phát hành dưới 7%.

Điều này sẽ giúp đa dạng hóa nguồn vốn cho khối doanh nghiệp trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng được định hướng ổn định quanh 14%/năm. Tuy nhiên, sự thiếu vắng tổ chức đánh giá tín nhiệm tiếp tục là điểm nghẽn của các doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường vốn thế giới. Do đó, trong trường hợp triển khai, VDSC cho rằng các doanh nghiệp lớn, niêm yết trên thị trường chứng khoán và công khai, minh bạch thông tin sẽ có cơ hội tiếp cận dòng vốn này dễ dàng hơn.

Thanh Tùng