|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Áp dụng Fintech hay bị bỏ lại phía sau: 4 lời khuyên cho ngành dịch vụ tài chính

12:30 | 27/10/2019
Chia sẻ
PwC vừa công bố kết quả khảo sát toàn cầu với 500 nhà điều hành ngành dịch vụ tài chính và công nghệ về cách thành công trong thời đại của công nghệ tài chính (Fintech), cho thấy đây không những là xu hướng tất yếu mà còn là “cuộc đua để chọn người thắng cuộc”.

Kỳ vọng tăng trưởng doanh thu nhờ Fintech

“Fintech đang tạo ra các cơ hội kinh doanh mới”, PwC nhìn nhận.

Thông tin thu thập được cho thấy các ngành dịch vụ tài chính, công nghệ đang sử dụng Fintech để nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm thiểu các chi phí, cải thiện trải nghiệm của khách hàng, gia tăng sức hấp dẫn của sản phẩm và dịch vụ.

Những công nghệ mới nổi cho phép các doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm và dịch vụ tiện lợi, được cá nhân hóa và dựa trên dữ liệu trực quan với chi phí thấp. Fintech cũng đã làm giảm các rào cản thâm nhập thị trường đối với các doanh nghiệp, bao gồm cả các tập đoàn dịch vụ tài chính, các công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp công nghệ…

Chẳng hạn, nhiều ngân hàng số đang tiếp cận khách hàng bằng những hồ sơ năng lực và cơ cấu chi phí hoàn toàn mới. Nhiều quỹ đầu tư đang sử dụng các robot tư vấn có khả năng cá nhân hóa cho từng khách hàng. Một số công ty bảo hiểm sử dụng cảm biến để theo dõi sức khỏe và giúp khách hàng phòng ngừa bệnh tốt hơn.

“Bản thân người tiêu dùng cũng đã sẵn sàng cho cuộc cách mạng kỹ thuật số”, PwC cho biết.

Đón xu hướng trên, 3/4 các nhà điều hành trong khảo sát của PwC cho biết, họ sẽ đẩy mạnh đầu tư vào Fintech trong vòng 2 năm tới.

Hơn 90% số người được khảo sát cho rằng Fintech sẽ mang lại sư tăng trưởng doanh thu trong vòng 2 năm tới. Tuy nhiên, lĩnh vực áp dụng chính, mức độ trưởng thành của công nghệ và tốc độ tiếp cận thị trường tại mỗi doanh nghiệp áp dụng Fintech sẽ khác nhau.

“Những doanh nghiệp đã áp dụng Fintech đang thay đổi thị trường, còn những doanh nghiệp chưa áp dụng đang dần bị bỏ lại phía sau”, PwC cho hay.

Cho nên, câu hỏi đặt ra giờ đây không phải là liệu Fintech có thay đổi ngành dịch vụ tài chính hay không, mà là công ty nào sẽ áp dụng Fintech tốt nhất để vươn lên dẫn đầu?

Áp dụng Fintech hay bị bỏ lại phía sau: 4 lời khuyên cho ngành dịch vụ tài chính - Ảnh 1.

4 lời khuyên cho ngành dịch vụ tài chính

Có 4 lời khuyên PwC dành cho doanh nghiệp ngành dịch vụ tài chính để áp dụng Fintech thành công và vượt lên so với đối thủ.

Thứ nhất, xây dựng chiến lược lấy Fintech làm trọng tâm là một yêu cầu bắt buộc. Khảo sát cho thấy 47% các doanh nghiệp công nghệ, truyền thông và viễn thông và 48% các doanh nghiệp dịch vụ tài chính đã tích hợp Fintech một cách toàn diện vào mô hình hoạt động chiến lược.

Bên cạnh đó, 44% các doanh nghiệp công nghệ, truyền thông và viễn thông và 37% các doanh nghiệp dịch vụ tài chính đã kết hợp các công nghệ mới nổi vào các sản phẩm và dịch vụ của mình.

“Những thay đổi lớn cần bắt đầu từ ban lãnh đạo và phải mang tính chiến lược. Ban lãnh đạo, hội đồng quản trị và các giám đốc điều hành đều phải tham gia sâu vào quá trình quyết định và triển khai những thay đổi này”, ông John Garvey, Lãnh đạo Toàn cầu về Tư vấn dịch vụ tài chính của PwC chia sẻ.

Thứ hai, ngành dịch vụ tài chính nên học hỏi ngành công nghệ, truyền thông và viễn thông về cách tận dụng sức mạnh của Fintech. Các nhà điều hành ngành dịch vụ tài chính trong khảo sát của PwC cho biết, chìa khóa để giữ chân khách hàng là sử dụng Fintech nhằm cải thiện sự tiện lợi và tốc độ dịch vụ. Tuy nhiên, giờ đây mọi người tiêu dùng đều coi sự tiện lợi và nhanh chóng là điều đương nhiên phải có.

Do đó, nếu các doanh nghiệp chỉ khai thác Fintech để cải thiện hai phương diện này thì họ sẽ chỉ đáp ứng được mong đợi của khách hàng mà không tạo ra được sự khác biệt, nhất là khi họ phải cạnh tranh với những công ty công nghệ, truyền thông và viễn thông có trực giác kỹ thuật số sắc bén hơn.

Ông Võ Tấn Long, Phó Tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn công nghệ thông tin, Công ty Tư vấn PwC Việt Nam cho biết: “Trải nghiệm khách hàng và sự hài lòng của khách hàng là kim chỉ nam cho các doanh nghiệp.

Xu hướng hiện nay là công nghệ giúp kết nối thế giới trực tuyến với thế giới thực, đồng thời làm trải nghiệm tại hai thế giới này được đồng nhất với nhau, qua đó mà đem đến sự hài lòng cho khách hàng. Đây là cách tốt nhất để thu hút và giữ được khách hàng”.

Thứ ba, hai ngành tài chính và công nghệ nên có sự trao đổi, hợp tác để giải quyết vấn đề thiếu hụt kỹ năng. Khảo sát của PwC cho thấy có 80% các doanh nghiệp công nghệ, truyền thông và viễn thông và 75% các doanh nghiệp dịch vụ tài chính đang tạo ra những công việc mới liên quan đến Fintech.

Tuy nhiên, 42% các doanh nghiệp trong hai ngành này đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự phù hợp cho những công việc mới này.

73% các doanh nghiệp dịch vụ tài chính đang tuyển dụng từ khối ngành công nghệ, nhưng chỉ có 52% các doanh nghiệp công nghệ, truyền thông và viễn thông đang tìm kiếm nhân sự từ ngành dịch vụ tài chính.

Việc trao đổi nhân sự giữa hai ngành này sẽ rất quan trọng cho thành công trong tương lai bởi vì mỗi lĩnh vực đều cần chuyên môn của bên còn lại. Việc nâng cao kỹ năng cũng sẽ quan trọng không kém.

Thứ tư, các công ty nên đẩy mạnh hợp tác, mua bán và sáp nhập liên ngành. Trong số các doanh nghiệp đang có kế hoạch mua bán, sáp nhập, liên minh chiến lược hoặc liên doanh để thúc đẩy tăng trưởng trên nền tảng Fintech, hơn 75% đang hướng tới các đối tượng trong chính ngành của mình. Chưa đến một nửa chọn đối tượng mục tiêu là một công ty Fintech.

“Hiện nay, các doanh nghiệp dịch vụ tài chính đang cố gắng nâng cao năng lực công nghệ, còn các doanh nghiệp công nghệ, truyền thông và viễn thông thì cần hiểu biết chuyên môn về sản phẩm và hành lang quy định để cạnh tranh trong thị trường dịch vụ tài chính. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp sẽ bỏ lỡ cơ hội nếu họ không hợp tác liên ngành”, PwC lưu ý.

“Việc hợp tác liên ngành sẽ giúp tạo ra một hệ sinh thái dịch vụ toàn diện phục vụ khách hàng trong cuộc sống hàng ngày. Để lập nên các hệ sinh thái như vậy sẽ cần tích hợp các quy trình kinh doanh và công nghệ giữa các nhà cung cấp.

Tại Việt Nam, một số ngân hàng thương mại quy mô lớn và vừa, các tập đoàn viễn thông và các công ty Fintech dẫn đầu thị trường đang đóng vai trò tiên phong trong quá trình này,” ông Võ Tấn Long nhận định.

“Xu hướng hợp tác đang tăng tốc tại Trung Quốc. Điển hình là các cơ quan quản lý đang kết nối 4 doanh nghiệp lớn nhất trong ngành công nghệ, truyền thông và viễn thông với 4 ngân hàng lớn nhất để thúc đẩy họ hợp tác với nhau. Chúng ta có thể gọi đây là một cuộc 'hôn nhân sắp đặt'.

Doanh nghiệp công nghệ, truyền thông và viễn thông cung cấp nền tảng công nghệ, còn doanh nghiệp dịch vụ tài chính sẽ cung cấp sản phẩm đến người tiêu dùng”, ông Wilson Chow, Lãnh đạo Toàn cầu phụ trách khối Công nghệ, Truyền thông và Viễn thông của PwC cho biết.

Áp dụng Fintech hay bị bỏ lại phía sau: 4 lời khuyên cho ngành dịch vụ tài chính - Ảnh 2.

M.Hồng

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.