|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Ẩn số tạo 'con sóng' của cổ phiếu CVT

07:00 | 23/11/2020
Chia sẻ
Trong thời gian gần đây, cổ phiếu CVT tăng nóng và thiết lập vùng đỉnh lịch sử mới. Đà tăng giá của cổ phiếu diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Khi đó, lô "đất vàng" diện tích 7,5 ha tại nhà máy CMC1 có thể là lời giải.

Cổ phiếu cơ bản "nổi sóng", CVT thiết lập vùng đỉnh mới 

Giai đoạn cổ phiếu cơ bản lên ngôi 2015 - 2017, thị trường chứng kiến nhiều mã vốn hóa trung bình tăng giá mạnh như KSB, CVT, HAX, C32, HBC, DHA. Thời điểm đó, các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tăng trưởng liên tục, trả cổ tức tiền mặt đều đặn được nhà đầu tư "săn lùng" và chứng kiến chuỗi tăng giá 1 - 3 năm.

Tuy nhiên, sau khi thị trường chứng khoán Việt Nam tạo đỉnh đầu tháng 4/2018, các cổ phiếu cơ bản không còn thu hút dòng tiền trên thị trường, giảm giá mạnh . Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp không còn duy trì được tỉ lệ tăng trưởng như trước đó.

CVT - Ảnh 1.

Diễn biến giá một số cổ phiếu midcap kể từ đầu năm 2020. Nguồn: VNDirect.

Giai đoạn gần đây, một số cổ phiếu midcap "nổi sóng" trở lại. Đơn cử, với sự kì vọng vào nhu cầu vật liệu xây dựng (đá) khi chính phủ đầu tư công, một số mã chứng khoán của doanh nghiệp khai thác đá tăng giá trở lại sau một thời gian dài giảm giá như KSB, C32, DHA. Theo thống kê, giá cổ phiếu KSB tăng gần gấp đôi so với đầu năm nay.

Mới nhất, cổ phiếu CVT của công ty sản xuất gạch men CMC tăng mạnh trở lại sau hơn hai năm trong pha giảm (downtrend). Ghi nhận chuỗi phiên tăng trần liên tục, cổ phiếu CVT đóng cửa phiên 20/11 ở mức 36.800 đồng/cp, gần gấp đôi thời điểm đầu năm nay. Đây là mức giá cao nhất của mã này kể từ khi niêm yết. 

Diễn biến trái phiều giữa giá cổ phiếu CVT và kết quả kinh doanh

Trong lịch sử, CVT là một trong số ít cổ phiếu tăng giá bền bỉ giai đoạn 2015 - 2017 với tâm điểm là tốc độ tăng trưởng cao, doanh nghiệp trả cố tức tiền mặt đều đặn, lượng cổ phiếu trôi nổi trên thị trường thấp.

Giai đoạn 2017 - 2018 công ty đang chuẩn bị đưa ra sản phẩm thị trường mới đó là gạch granite công nghệ thấm muối tan - vi tinh. Đây là công nghệ đầu tiên được sử dụng để sản xuất gạch granite tại Việt Nam.

Sự tăng trưởng của CMC thể hiện rõ nét qua kết quả kinh doanh của công ty. Nếu như năm 2007, doanh thu bán hàng của CMC chỉ đạt 179,4 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế (LNST) là 7 tỉ đồng. Doanh thu của công ty tăng trưởng mạnh kể từ năm 2013. Năm 2016, doanh thu bán hàng của CMC vượt 1.000 tỉ đồng đồng, đạt 1.189,6 tỉ đồng. Trong năm đó, lãi ròng cũng vượt 100 tỉ đồng và đạt 152 tỉ đồng.

Giai đoạn 2014 - 2016, tăng trưởng doanh thu bán hàng bình quân của CMC gần 28%. Nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty có mức tăng trưởng trung bình là 111,4%.  

CVT - Ảnh 2.

Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp.

Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh, CMC không còn giữ được phong độ. Doanh thu bán hàng năm 2017 chỉ còn tăng trưởng 5,7%, đạt 1.257,2 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế là 173,8 tỉ đồng, tăng 14,3%. Năm 2018, lãi ròng của CMC giảm 6,8% so với năm trước đó, xuống còn 162 tỉ đồng. Năm 2019, tỉ lệ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của CMC đạt dưới 2%.

Nếu như đà tăng trưởng thúc đẩy cổ phiếu CVT tăng trưởng mạnh trước đó, thì việc doanh nghiệp cho thấy dấu hiệu chững lại năm 2018 - 2019 khiến giá mã này giảm sâu.

Song, mối quan hệ giữa giá cổ phiếu và tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp không còn duy trì. Doanh thu bán hàng 3 quí đầu năm của CMC là 906 tỉ đồng đồng, giảm gần 13% so với cùng kì năm 2019. Với sự sụt giảm về doanh thu, LNST của công ty cũng giảm 22,1%, xuống còn 84,5 tỉ đồng. Trái ngược với kết quả kinh doanh, giá cổ phiếu CVT vẫn tăng trưởng mạnh.

Câu chuyện đất vàng của CVT

Theo ghi nhận, diễn biến giá cổ phiếu tăng nóng trong thời gian gần đây một phần liên quan đến hoạt động giao dịch của nhóm cổ đông lớn. Một doanh nghiệp cùng ngành là Gạch ốp lát Hòa Bình Minh liên tục mua gom, nâng sở hữu lên 17,058% vốn điều lệ của CMC và trở thành cổ đông lớn nhất.

Song song với Gạch ốp lát Hòa Bình Minh, một nhóm cổ đông lớn khác cũng mua vào cổ phần của CMC. Mặc dù vậy, mục đích gia tăng tỉ lệ sở hữu của hai nhóm cổ đông này vẫn còn là một dấu hỏi.

Thông thường, giá cổ phiếu đột nhiên tăng mạnh liên quan đến các "câu chuyện" như mua bán sáp nhập, đất vàng, bán vốn cho nhóm cổ đông chiến lược hoặc thoái vốn.

Với CMC, về bất động sản sở hữu cho thấy, công ty đang có Nhà máy CMC số 1 nằm trong trung tâm thành phố Việt Trì (phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). 

Nhà máy CMC số 1 được xây dựng vào năm 1991, sản xuất gạch ceramic công nghệ Italia, các sản phẩm gạch thẻ và ngói lớp tráng men. Theo tìm hiểu, lô đất này có diện tích sử dụng là 75.000 mét vuông, được giao với thời hạn 50 năm.

CVT - Ảnh 3.

Lô đất tại nhà máy CMC số 1 của CMC. Ảnh: Google map.

Tại Đại hội dồng cổ đông năm nay, chỉ ít ngày trước khi diễn ra đại hội, CMC bổ sung tờ trình thông qua chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại nhà máy CMC số 1 hoặc bán chuyển nhượng.

Đại hội đồng ý việc ủy quyền cho HĐQT/Ban Tổng giám đốc lựa chọn hình thức chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc bán chuyển nhượng.

Đây là một nội dung không mới, từng được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niêm năm 2018. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, khi giá cổ phiếu tăng nóng trong khi kết quả kinh doanh không mấy khả quan thì việc sở hữu lô "đất vàng" có thể là một mục tiêu hướng tới trong cuộc chạy đua gom cổ phần của nhóm cổ đông? 

Hoàng Linh