|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

An ninh lương thực - cuộc khủng hoảng nối dài - Bài 3: Tạo giá trị từ liên kết chuỗi

16:00 | 01/05/2022
Chia sẻ
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang giữ vai trò chủ đạo trong sản xuất đảm bảo an ninh lương và xuất khẩu gạo cho cả nước. Khu vực này cũng đang từng bước hoàn thiện chuỗi giá trị để giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị hạt gạo, mang đến lợi nhuận ngày càng lớn cho người nông dân.

Hoàn thiện chuỗi giá trị

Tập đoàn Lộc Trời là doanh nghiệp tiên phong trên cả nước về xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo khép kín từ giống sản xuất đến hạt gạo xuất khẩu theo quy trình sản xuất bền vững, với các tiêu chí truy xuất nguồn gốc, minh bạch chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và tăng lợi nhuận cho nông dân. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN).

CTCP Tập đoàn Lộc Trời vừa qua đã thành lập 2 công ty thành viên ký kết mua bán - tài trợ sản xuất 2 triệu tấn lúa trị giá hơn 12.000 tỷ đồng trong năm 2022 với các công ty, đại lý nông sản, các ngân hàng. 

Theo đó, các đối tác tham gia tổ chức sản xuất quy mô lớn trên nền tảng ứng dụng quy trình sản xuất khoa học, giảm lượng giống sử dụng, giảm phân bón - thuốc, quản lý tốt tài nguyên nước. Từ đó giảm giá thành, tăng chất lượng, tăng lợi nhuận cho cả nông dân và doanh nghiệp.

Trong khi đó, CTCP Tập đoàn Tân Long và 2 tỉnh An Giang, Kiên Giang ký liên kết tạo vùng nguyên liệu lúa với diện tích 60.000 ha. 

Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Tân Long cho biết, theo bản thỏa thuận, các bên thống nhất xây dựng vùng nguyên liệu lúa theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, xây dựng thương hiệu gạo quốc gia và tham gia thị trường lúa gạo thế giới.

Cụ thể, công ty xây dựng vùng nguyên liệu lúa theo hướng liên kết chuỗi giá trị, vừa giúp nông dân gia tăng lợi nhuận nhờ giảm chi phí đầu vào khi canh tác trên cánh đồng lớn, có giống tốt, tăng năng suất, vừa giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

Tập đoàn Tân Long đã đầu tư Nhà máy gạo Hạnh Phúc có quy mô lớn nhất châu Á và ứng dụng công nghệ 4.0 vào canh tác lúa nhằm tạo ra cánh đồng thông minh.

Theo ông Trương Sỹ Bá, kế hoạch này được đánh giá là cơ hội thuận lợi giúp người trồng lúa đảm bảo được đầu ra nhờ cơ chế nông dân canh tác theo đơn đặt hàng và định hướng thị trường từ doanh nghiệp; giảm chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào qua ứng dụng đồng bộ công nghệ - khoa học kỹ thuật. Đặc biệt mô hình này tạo nên những cánh đồng thông minh và sản phẩm lúa gạo đạt chất lượng tốt nhất nhờ hệ thống xử lý sau thu hoạch hiện đại.

Nhưng quan trọng hơn cả là đảm bảo đầu ra cho người trồng lúa bằng chính sách bao tiêu theo cơ chế “đặt hàng” và định hướng thị trường của doanh nghiệp. Trong đó, ưu tiên sản xuất theo hướng an toàn với các giống chất lượng cao trong nước để xây dựng, thực hiện truy suất nguồn gốc và số hoá cơ sở dữ liệu đồng ruộng.

Chính những hoạch định cụ thể này đã tạo cho nhiều người kỳ vọng về sự phát triển bền vững cho ngành hàng lúa Việt trong tương lai không xa.

Nâng cao quy trình sản xuất

Tập đoàn Lộc Trời là doanh nghiệp tiên phong trên cả nước về xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo khép kín từ giống sản xuất đến hạt gạo xuất khẩu theo quy trình sản xuất bền vững, với các tiêu chí truy xuất nguồn gốc, minh bạch chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và tăng lợi nhuận cho nông dân. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN).

Gần 3 năm nay, gia đình anh Dương Văn Tuyên, xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang tham gia vào Hợp tác xã Nông nghiệp Sơn Hòa, xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang để liên kết sản xuất với CTCP Tập đoàn Lộc Trời theo tiêu chuẩn xuất khẩu và đã được cấp mã số vùng trồng. Phía doanh nghiệp cam kết bao lợi nhuận cho nông dân.

Anh Tuyên cho biết, vụ lúa Đông Xuân 2021-2022, gia đình anh trồng 9 ha giống lúa Lộc Trời 28, năng xuất đạt gần 6,8 tấn/ha và được CTCP Tập đoàn Lộc Trời thu mua với giá 7.000 đồng/kg. So với năm ngoái, mỗi ha lúa năm nay thu lãi khoảng 10 triệu đồng, giảm 50% so với năm ngoái do chi phí sản xuất tăng.

Theo anh Tuyên, gia đình làm theo mô hình lúa xuất khẩu sang châu Âu được 5 vụ, nên đã quen và không đến nỗi khó, chủ yếu là tuân thủ quy chuẩn và tránh sử dụng những chất cấm khi trồng. Đặc biệt, nông dân khi làm theo mô hình này sẽ được các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu nên yên tâm sản xuất, không lo  đầu ra bị ế ẩm, mất giá.

“Nhiều hộ nông dân khác trong vùng không tham gia liên kết và được doanh nghiệp bao tiêu nên vụ lúa Đông Xuân này chỉ hòa vốn hoặc lỗ vì giá vật tư nông nghiệp tăng cao, cộng thêm lúa trổ đúng đợt rầy nâu bùng phát nên năng suất giảm sâu”, anh Tuyên cho biết.

Ông Phan Thành Bắc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Sơn Hòa, xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang cho biết, hợp tác xã có hơn 600 ha lúa liên kết với CTCP Tập đoàn Lộc Trời được cấp mã số vùng trồng; trong đó có 60% diện tích trồng giống lúa Lộc Trời 28, diện tích còn lại là giống lúa OM18, Đài Thơm 8.

Tất cả giống lúa này đều được CTCP Tập đoàn Lộc Trời bao tiêu, để xuất đi châu Âu và Mỹ. Năm nay, năng suất vụ lúa Đông Xuân đạt hơn 6 tấn/ha với giá bán 7.000 đồng/kg, tính ra nông dân cũng có lời nhưng không được nhiều do giá vật tư nông nghiệp, công thu hoạch tăng… 

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Lộc Trời, cho biết: Hiện nay, nông dân chưa thể tuân thủ đủ yêu cầu và những nông dân có thể sản xuất theo tiêu chuẩn châu Âu lại chưa đạt được sản lượng để bán, nên không phải tập đoàn hoặc Việt Nam không bán được gạo vào châu Âu mà do nông dân chưa đủ năng lực để sản xuất. 

Để mở rộng diện tích, đầu tiên nông dân phải quen với quy trình và phải tuân thủ quy trình. CTCP Tập đoàn Lộc Trời cũng đã thu mua lúa đạt chuẩn châu Âu cao hơn lúa thường để làm động lực cho nông dân. Tuy nhiên, không phải nông dân nào cũng đủ tay nghề để làm việc này.

Cũng theo ông Nguyễn Duy Thuận, khi có mã số vùng trồng, mô hình, đơn hàng thì lúc đó sẽ thuyết phục nông dân sản xuất theo từng khu vực để xuất khẩu sang các thị trường khác nhau như châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản…

Mỗi thị trường có một quy chuẩn và ruộng đó phải tuân thủ quy chuẩn đó liên tục thì mới càng ngày càng tăng điểm. Khi đạt thang điểm ở một mức nào đó, ruộng lúa ở khu vực đó, mã số đó sẽ đương nhiên vào châu Âu mà không phải kiểm định.

Tuy nhiên, để trồng lúa thu được hiệu quả cao phải xét đến yếu tố năng suất lao động. Ông Thuận phân tích, hiện nay, tại Đồng bằng sông Cửu Long đạt gần 100% cơ giới hóa. Đó là điều kiện cần để có thể sản xuất lớn. Tuy nhiên, điều kiện đủ để có thể phát huy hiệu quả đầu tư và cơ giới hóa đó là cơ giới hóa đồng bộ sẽ giúp tăng năng suất của lao động nông nghiệp tại khu vực này. 

“Theo tính toán của chúng tôi, nếu như cơ giới hóa đồng bộ thì năng suất lao động nông nghiệp sẽ tăng lên từ 7-10 lần, là cơ sở để giảm giá thành, không ảnh hưởng đến lợi nhuận của bà con”, ông Thuận cho biết thêm.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết, doanh nghiệp muốn liên kết với nông dân để xây dựng, phát triển mô hình cánh đồng lớn cần có vốn để xây nhà máy sấy lúa, sấy lúa rồi phải có nơi chứa, đặc biệt doanh nghiệp khi bao tiêu toàn bộ lúa cho nông dân phải thanh toán tiền cho nông dân ngay sau thu hoạch, cần số vốn rất lớn. 

Do đó, Chính phủ và các cấp thẩm quyền Trung ương, địa phương cần quan tâm và có giải pháp gỡ khó về vốn để doanh nghiệp kịp thời vay được vốn khi làm dự án cánh đồng lớn.

Xuân Anh - Công Mạo

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.