Ấn Độ: Ứng dụng công nghệ nuôi tôm bền vững
Nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao nước mặn tại Andhra Pradesh, Ấn Độ Ảnh: Vikas Choudhary |
Công nghệ là đòn bẩy
Trong một chuyến khảo sát bang nuôi tôm ven biển lớn nhất Ấn Độ, Andhra Pradesh, các chuyên gia của GAA đã vô cùng ngạc nhiên khi hàng loạt trại nuôi tôm tại đây đã ứng dụng công nghệ cao trong quản lý và đảm bảo an toàn sinh học từ cấp độ trại nuôi.
Một hãng nuôi tôm tại West Bengal đã phát triển một ứng dụng điện thoại di động để giúp nông dân kiểm soát hàng loạt thông số nuôi tôm như chất lượng nước trong các ao nuôi. Tại sự kiện AquaIndia 2018 tại Chennai hồi tháng 2/2018, ứng dụng này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia trong nước và quốc tế.
Jeff Sedacca, Giám đốc Công ty Sunnyvale Seafood cho biết, Ấn Độ tham gia vào sân chơi tôm thẻ muộn hơn so các nước láng giềng, nhưng đã tiếp thu được mọi tinh hoa từ công nghệ nuôi tôm của các nước đi trước như Đông Nam Á và dựa vào đó để phát triển công nghệ nuôi tôm lên một tầm cao mới.
“Ứng dụng” tôm
IFB Agro Industries, công ty con của Tập đoàn IFB Group đã chứng minh ứng dụng mới trên điện thoại thông minh do hãng này phát triển đã trở thành trợ thủ đắc lực cho nông dân giám sát trại nuôi tôm tại West Bengal, phần lớn là trại quy mô nhỏ, chỉ 0,2 - 0,5 ha/ao và 2 - 4 ao nuôi/trại.
Croppin, một ứng dụng IFB vẫn đang phát triển cách đây nhiều năm giúp kiểm soát chất lượng nước, mật độ thả nuôi, tăng trưởng của tôm và tỷ lệ biến đổi thức ăn cùng nhiều chỉ số khác. Những thông tin đều được gắn kèm hình ảnh và tọa độ địa lý của trại nuôi và khu vực đặt ao nuôi.
Moumita Banerjee, Trợ lý giám đốc xuất nhập khẩu tại IFB cho biết: “Chúng tôi nắm rõ các trại đang nuôi loại tôm gì, kích cỡ ra sao và khi nào sẽ thu hoạch. Ngoài ra, chúng tôi cũng có thể truy xuất được toàn phần sản phẩm tôm thu hoạch bằng phần mềm. Chúng tôi đã cảnh báo cho người nuôi mọi rủi ro tiềm ẩn để họ có thể nuôi cũng như thu hoạch theo cách chuẩn xác nhất. Hiện, các kỹ sư của IFB thăm trại nuôi định kỳ để cập nhật dữ liệu đầu vào cho ứng dụng sau đó sẽ tải lên công nghệ đám mây. Trong tương lai, những công nghệ thế này có thể được ứng dụng rộng rãi trên toàn Ấn Độ”.
Avanti Frozen Foods liên doanh giữa hãng sản xuất thức ăn cho tôm lớn nhất Ấn Độ là Avanti Feeds tại Andhra Pradesh và Tập đoàn Thai Union đang thắt chặt giám sát từ cấp độ trại nuôi. Tại một trại nuôi đối tác của công ty này, những nhân viên của Avanti làm việc bán thường trực tại trại, thực hiện hàng loạt nhiệm vụ như cho tôm ăn, giám sát chất lượng nước và bảo quản trại nuôi. Mặc dù, dịch bệnh đốm trắng bùng phát tại các nước láng giềng, song trại nuôi này không hề bị ảnh hưởng, Nikhilesh Alluri, Giám đốc phát triển kinh doanh tại Avanti Feeds cho biết.
Bản chất toàn cầu của ngành nuôi tôm đồng nghĩa những công ty tôm liên kết dọc như BMR có thể liên kết với giới chuyên môn từ khắp nơi trên thế giới. Rất nhiều chuyên gia NTTS trong ngành dinh dưỡng của Bỉ và thú y của Inve đang làm việc tại 91 ha trại nuôi của BRM gần Nellore, Andhra Pradesh. Olivier Decamp, Giám đốc sản phẩm trại và thức ăn tại INVE cho biết, đội ngũ của INVE đã có mặt tại đây để giúp BMR không chỉ hỗ trợ sản phẩm mà còn cải tiến trại nuôi và hệ thống ương giống. Mục tiêu cuối cùng là giúp trang trại như BMR phát triển bền vững hơn. Suốt 15 năm qua, ngành tôm Ấn Độ thay đổi đáng kinh ngạc nhưng thực sự ấn tượng.
Nhà nước hỗ trợ và quản lý
Tại Andhra Pradesh, sự phát triển của những trại nuôi tôm mới thành lập cũng được kiểm soát nghiêm ngặt bởi chính quyền địa phương. Kumar, Giám đốc Công ty Avanti Feeds chia sẻ, nhà quản lý ngành muốn xây dựng một mô hình nuôi tôm bền vững dài hạn đi đôi với bảo vệ môi trường.
Trong khi, dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm từ các nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu nên các tiêu chuẩn tôm post được quản lý chặt chẽ. Đầu tiên, tôm bố mẹ chỉ được phép nhập khẩu từ một số công ty được tuyển chọn kỹ lưỡng. Tiếp đó, tôm bố mẹ được nuôi riêng biệt sau khi nhập khẩu vào Ấn Độ trong vòng 1 tháng, tại đây tôm được kiểm tra dịch bệnh và các yếu tố lây nhiễm khác thêm một lần nữa. Chính phủ Ấn Độ cũng quyết định chủng tảo biển nào được phép sử dụng tại các trại tôm giống để làm thức ăn.
Chính phủ Ấn Độ quản lý ngành tôm bằng hệ thống quy định nghiêm ngặt. Theo đó, yêu cầu các công ty sản xuất tôm phải sử dụng chứng nhận GMP ở mọi nơi, nhiều trại giống trái phép buộc phải đóng cửa. Trong khi, tại West Bengal, IFB cho hay, chính quyền địa phương đã tăng cường trợ giúp các trại tôm đạt tiêu chuẩn bền vững quốc tế như BAP. Trung tâm NTTS bền vững quốc gia, được thành lập bởi Cơ quan phát triển xuất khẩu thủy sản năm 2007 đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ này.
>> Hiện, Ấn Độ là quốc gia có nhiều trại tôm được cấp chứng nhận BAP nhiều nhất thế giới. Tổng số 325 cơ sở nuôi tôm được cấp chứng nhận BAP, trong đó có đến 37 đơn vị được cấp BAP 4 sao. Điều này có nghĩa, Ấn Độ chiếm 15% cơ sở đạt chứng nhận BAP trên toàn cầu. Đến cuối năm 2018, Ấn Độ đặt mục tiêu 90% hãng thức ăn đạt chứng nhận BAP.