|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ấn Độ mất đà: Thách thức cho vị thủ tướng tái đắc cử

07:26 | 07/11/2019
Chia sẻ
Kinh tế Ấn Độ đang mất đà và đây là thách thức cho vị Thủ tướng vừa tái đắc cử Narendra Modi.
avatar_1573086286141

Ảnh: ft.com

Chợ Gandhi Nagar ở New Delhi là một trong những chợ đầu mối về hàng may mặc lớn nhất Ấn Độ, luôn tấp nập thương nhân ở khắp phía Bắc Ấn Độ đến mua hàng về phân phối lại cho các cửa hàng nhỏ ở thôn quê và các cửa tiệm tạp hóa. 

Thông thường, trước lễ hội Diwali hằng năm luôn là mùa cao điểm ở chợ Gandhi Nagar, khi những lối đi nhỏ hẹp đông nghẹt người mua đến nỗi di chuyển cũng là một chuyện khó khăn. Nhưng năm nay, những thương nhân than phiền mùa mua sắm lễ hội ế ẩm do người dân đang thắt lưng buộc bụng vì bị giảm thu nhập hoặc bị mất việc.

Những tuần gần đây Sahil Nangru, chủ một công ty nhỏ chuyên sản xuất quần áo trẻ em và đối tác của anh là Pradeep Chawla đã phải đóng cửa 2 trong số 4 cơ sở sản xuất may mặc và sa thải 25 công nhân. “Trong 3-4 tháng qua, chúng tôi không có việc gì làm cả”, Chawla nói.

Ấn Độ mất đà: Thách thức cho vị thủ tướng tái đắc cử - Ảnh 2.

Thực trạng này cho thấy sự suy nhược của nền kinh tế Ấn Độ, giờ càng được săm soi kỹ hơn sau chiến dịch tái tranh cử của Thủ tướng Narendra Modi và chiến thắng vang dội của ông chỉ cách đây vài tháng. Cách đó không lâu, Ấn Độ vẫn còn chìm đắm trong niềm vui sướng là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Nhưng kể từ quý II/2018 khi GDP tăng trưởng 8% hằng năm thì nền kinh tế cũng mất đà. GDP đã giảm còn chỉ 5% trong 3 tháng kết thúc vào tháng 6.2019, thấp nhất trong 6 năm. Khi nền kinh tế trượt dốc, hàng triệu chủ cơ sở nhỏ, nhân viên hợp đồng và nông dân đều rơi vào bế tắc.

Chính phủ của ông Modi cho rằng những khó khăn hiện tại chỉ mang tính chu kỳ do các điều kiện quốc tế biến động. Nhưng nhiều chuyên gia tin rằng đà chậm lại này là kết quả của những sơ sẩy trong chính sách, các cải cách theo định hướng thị trường quá chậm chạp và sự thất bại của ông Modi trong việc giải quyết các vấn đề của hệ thống tài chính.

Đầu tư tư nhân đã im ắng trong suốt gần 1 thập niên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Chính phủ khó có thể triển khai tài khóa để kích thích kinh tế, khi thâm hụt công hằng năm đã lên tới gần 10% GDP. Chi tiêu của người dân ngày càng giảm, tín dụng tiêu dùng dễ dãi cũng cạn kiệt sau cú sốc sụp đổ vào năm ngoái của Infrastructure Leasing & Financial Services, một công ty tài chính lớn của Ấn Độ.

Theo khảo sát niềm tin tiêu dùng mới nhất của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI), sự lạc quan vào tương lai của người dân Ấn Độ đang suy giảm mạnh. Các gia đình thu không đủ chi, khiến tiết kiệm giảm và đi vay gia tăng. Từ năm 2012-2018, tiết kiệm hộ gia đình đã giảm từ 23,6% xuống còn 17,2% GDP. Nợ hộ gia đình cũng tăng mạnh. “Chúng ta đang trong tình cảnh éo le: cộng đồng doanh nghiệp sợ đầu tư, người tiêu dùng sợ chi tiêu, còn các tổ chức tín dụng cũng sợ cho vay vì họ lo ngại người vay không có khả năng trả nợ”, Gagan Banga, Phó Chủ tịch Indiabulls Housing Finance, nhận định.

Ấn Độ mất đà: Thách thức cho vị thủ tướng tái đắc cử - Ảnh 3.

Các ngành của Ấn Độ từ ô tô cho đến hàng tiêu dùng nhanh, hàng không đều chứng kiến tăng trưởng chậm lại. Kinh tế Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng 6% trong năm tài chính này, nhưng một số chuyên gia cho rằng con số này quá lạc quan. Arvind Subramanian, nguyên cố vấn kinh tế trưởng của Chính phủ Ấn Độ, chỉ ra: “Sự suy thoái không phải mới gần đây. Thực ra, kinh tế Ấn Độ chưa bao giờ hồi phục kể từ cuộc khủng hoảng tài chính”.

Chính sách ráo riết bài trừ tham nhũng trong văn hóa doanh nghiệp của ông Modi cũng gây gián đoạn đối với các ngành kinh tế thu hút nhiều lao động và khiến doanh nghiệp cảm thấy bất an, không dám đầu tư. Lệnh cấm tiền năm 2016 của ông Modi và việc tung ra một hệ thống thuế mới là cú nốc ao đối với hàng triệu doanh nghiệp nhỏ, phi chính thức. Sự ra đời của thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) đã gây choáng váng cho nhiều người. Bất động sản cũng bị tác động mạnh, khiến cho các nhà phát triển bất động sản bị tồn đọng lượng hàng lớn chưa bán được, cùng những tòa nhà dở dang. “Chính sách cấm tiền và thuế GST dường như đã làm rạn nứt xương sống của nền kinh tế Ấn Độ”, Raghuram Rajan, cựu Thống đốc RBI, nhận định.

Các chuyên gia kinh tế độc lập chỉ ra những nhược điểm lớn của kinh tế Ấn Độ - tài chính công bị căng quá mức và hệ thống tài chính dễ vỡ trong đó có ngân hàng ngầm - sẽ tiếp tục đè nặng lên triển vọng kinh tế. Theo họ, New Delhi đã không nhận thấy được mức độ nghiêm trọng của nợ xấu trong hệ thống tài chính hay rủi ro dễ đổ vỡ của các ngân hàng ngầm và các công ty tài chính nhà đất, vốn là những người vay chính từ hệ thống ngân hàng. S&P cũng đã khuyến cáo về rủi ro gia tăng từ ngân hàng ngầm.

Tình cảnh hiện tại hoàn toàn khác với viễn cảnh về cơn sốt kinh tế và việc làm mà Modi cam kết sẽ mang đến cho Ấn Độ vào năm 2014. “Đó là một cuộc khủng hoảng. Người dân hiện nghèo hơn so với giai đoạn 2014-2015”, chuyên gia kinh tế đoạt giải Nobel Abhijit Banerjee nói.

Thế nhưng, chính quyền ông Modi vẫn rất lạc quan về tương lai Ấn Độ, tin rằng nền kinh tế hiện trị giá 2.900 tỉ USD sẽ đạt tới 5.000 tỉ USD vào năm 2024. Trước mắt, vị thế chính trị vững vàng của ông Modi sẽ giúp Chính phủ rộng đường trong việc đẩy mạnh cải cách kinh tế thị trường. New Delhi vừa công bố chính sách cắt giảm thuế doanh nghiệp 20 tỉ USD để đưa Ấn Độ trở thành điểm đến đầu tư cạnh tranh hơn.

Amitabh Kant, CEO của Niti Aayog, cho rằng việc tư nhân hóa khối doanh nghiệp nhà nước và những cải cách lớn trong các ngành như nông nghiệp và khai khoáng đã và đang được đề ra. “Chúng ta sẽ phải mất một thời gian để đưa nền kinh tế qua khỏi vũng lầy này. Đó không phải là chuyện sẽ xảy ra chỉ sau 1 đêm”, Uday Kotak, CEO Kotak Mahindra Bank, nhận định.

Văn Quốc