|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Algeria quyết định tăng sản lượng dầu thêm 100.000 thùng mỗi ngày

08:10 | 14/11/2016
Chia sẻ
Kể từ tháng Bảy năm nay, Algeria đã tăng sản lượng dầu thêm 100.000 thùng/ngày và tính chung từ tháng 1-10, sản lượng dầu của Algeria đã tăng thêm 8% so với cùng kỳ năm 2015.

Phóng viên TTXVN tại Alger dẫn thông cáo báo chí của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Algeria (Sonatrach) ngày 12/11 cho biết kể từ tháng Bảy năm nay, Algeria đã tăng sản lượng dầu thêm 100.000 thùng/ngày và tính chung từ tháng 1-10, sản lượng dầu của Algeria đã tăng thêm 8% so với cùng kỳ năm 2015.

Là nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), hạn ngạch sản lượng dầu mỏ của Algeria được quy định ở mức 1,2 triệu thùng/ngày. Trong một cuộc họp hồi đầu tháng 10 vừa qua, Hội đồng Bộ trưởng Algeria đã thông qua một sắc lệnh cho phép Sonatrach thúc đẩy việc tìm kiếm dầu mỏ tại các tỉnh Ouargla, Djelfa, Laghouat và Tébessa để phát hiện các mỏ dầu mới.

Từ nhiều năm qua, sản lượng dầu khí của Algeria đã giảm xuống và đầu tư vào ngành này cũng bị giảm do giá dầu giảm và trữ lượng dầu cũng giảm. Tuy nhiên, hồi cuối tháng 10 vừa qua, Sonatrach thông báo đã xuất khẩu được 89 triệu tấn dầu quy đổi, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2015 trong khi xuất khẩu khí đốt cũng tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sonatrach dự kiến sẽ tăng sản lượng khí đốt thêm 9 tỷ m3 từ năm 2017, thời điểm ba dự án khai thác khí đốt tại khu vực Tây Nam của nước này đi vào hoạt động.

Dự án Touat Gaz dự kiến sẽ mang lại 12,8 triệu m3 khí đốt/ngày ngay từ tháng 2/2017, trong khi mỏ khí đốt Timimoun sẽ đem lại 4,6 triệu m3 khí đốt/ngày từ tháng 3/2017 và mỏ Reggane sẽ đi vào hoạt động và khai thác được 8 triệu m3 khí đốt/ngày từ tháng 6/2017.

Sonatrach khẳng định các nguồn khí đốt khác cũng đã được tìm thấy ở phía Nam Algeria, như tại Akabli và Tidikelt. Mặt khác, hoạt động khai thác khí đốt tại mỏ Tiguentourine đã đạt mục tiêu đề ra lần đầu tiên kể từ sau vụ tấn công khủng bố năm 2013 với 9 tỷ m3 khí đốt/năm.

Sonatach cũng tiến hành khai thác tại Hassi R’mel nhằm tăng sản lượng. Đến cuối năm 2017, một lượng lớn khí đốt cũng sẽ được khai thác tại thành phố dầu mỏ Hassi Messaoud.

Kim ngạch xuất khẩu dầu mỏ trong chín tháng đầu năm 2016 vẫn là nguồn thu chính của Algeria khi chiếm 93,73% tổng giá trị xuất khẩu, song đã giảm 26,3% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 18,789 tỷ USD. Giá dầu thô giảm khiến nguồn thu của Algeria cũng bị ảnh hưởng.

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).