|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ai đứng sau đế chế 'tạo hoa hậu' Sen Vàng?

07:58 | 05/08/2024
Chia sẻ
Sen Vàng là một trong hai cái tên doanh nghiệp ít ỏi nắm giữ nhiều bản quyền cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam.

Những năm gần đây, công ty TNHH Quảng cáo Thương mại Sen Vàng (Sen Vàng) gắn liền với các cuộc thi hoa hậu đình đám như Miss World Vietnam, Hoa hậu Việt Nam,…

Trước đó từ lâu Sen Vàng thường xuất hiện với vai trò là đối tác sản xuất các cuộc thi sắc đẹp như Hoa hậu Việt Nam 2014 và 2016, cuộc thi Tiếng hát truyền hình 2015, cuộc thi Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long, Người Đẹp Hoa Anh Đào… Doanh nghiệp này cũng lấn sân sang sản xuất phim và các chương trình truyền hình như Tuyệt đỉnh Song ca, Tài tử tranh tài. 

Trên website, Sen Vàng tự giới thiệu là một trong số ít công ty cung cấp dịch vụ truyền thông trọn gói.

Được thành lập vào tháng 8/2006, Sen Vàng có ngành nghề chính là hoạt động sản xuất phim điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình. Trụ sở ban đầu đặt tại đường Nguyễn Đức Cảnh, phường Tân Phong, quận 7, TP HCM.

Cổ đông sáng lập và cũng là cổ đông lớn nhất của Sen Vàng là bà Phạm Thị Kim Dung (sinh năm 1976). Bà Dung nhiều năm liền giữ chức Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật của công ty.

Ban đầu, vốn điều lệ của Sen Vàng là 50 tỷ đồng do 8 cổ đông cá nhân góp vốn, trong đó bà Dung góp nhiều nhất với 29 tỷ đồng, tương đương 58%. Đến tháng 9/2016, cơ cấu cổ đông chỉ còn 6 người với tổng số vốn góp vẫn là 50 tỷ, trong đó bà Dung nâng tỷ lệ sở hữu lên 61% với số vốn góp là 30,5 tỷ.

Tháng 7/2018, Sen Vàng tăng vốn lên thành 150 tỷ đồng, nhưng số cổ đông chỉ còn 5 người, với sự góp mặt thêm của bà Đỗ Mỹ Linh (nắm 5%) và ông Hoàng Hữu Nhật Nam (2%).

 

Hơn một năm sau, tức tháng 10/2019, Sen Vàng lại giảm vốn điều lệ xuống còn 50 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ. Bà Dung vẫn kiêm chức Tổng Giám đốc và đại diện pháp luật.

Trên website công ty, Sen Vàng gọi Phạm Thị Kim Dung là “bà trùm hoa hậu” khi là người đứng đầu đơn vị quản lý Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, Á hậu Ngô Thanh Thanh Tú, Á hậu Diễm Trang và một số Á hậu, Á khôi và người đẹp khác…

Bà Dung quê tại Vĩnh Long và theo học Trường ĐH Kinh tế TP HCM. Bà từng làm công việc khảo sát thị trường tại A. C Nielson - một công ty nghiên cứu thị trường khoảng 10 năm. Sau khi rời A. C Nielson, bà Kim Dung vào làm việc cho công ty Bất động sản Phú Mỹ Hưng với công việc chính là nghiên cứu thị trường và một phần về sự kiện, marketing. Sau đó bà Dung lấn sân sang lĩnh vực truyền thông.

Ngoài TNHH Quảng cáo Thương mại Sen Vàng, bà Dung còn giữ vai trò Chủ tịch CTCP Giải trí Sen Vàng. Đây là đơn vị nắm giữ 10 bản quyền cuộc thi sắc đẹp như Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hòa bình quốc tế, Hoa hậu siêu quốc gia, Hoa hậu Châu Á Thái Bình Dương… 

Bà Phạm Kim Dung. (Ảnh: Thanh Niên).

Về tình hình kinh doanh, nhờ vào việc nắm giữ bản quyền nhiều cuộc thi sắc đẹp cũng như quản lý hàng loạt người đẹp, những năm qua, Sen Vàng liên tục ghi nhận tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận.

Theo số liệu Báo Công Thương có được, năm tài chính 2021, Sen Vàng ghi nhận doanh thu gần 404 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 118 tỷ đồng, tương đương biên lãi gộp đạt 29,2%. Công ty lãi sau thuế gần 16 tỷ đồng. 

Năm 2022, doanh thu của Sen Vàng đạt hơn 672 tỷ đồng, tăng 67% so với năm trước đó. Biên lãi gộp còn 26,5%. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 27 tỷ đồng. Tổng tài sản tại cuối năm 2022 chạm mốc gần 380 tỷ đồng, tăng 39% so với đầu năm.

 

Trên thị trường, một công ty khác được coi là đối thủ "ngang sức" với Sen Vàng là CTCP Hoàn Vũ Sài Gòn (SGUni Corp). Không nắm giữ nhiều bản quyền tổ chức các cuộc thi hoa hậu như Sen Vàng, Hoàn Vũ Sài Gòn trước đó chỉ giữ bản quyền cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ (Miss Universe) tại Việt Nam.

Theo Dân trí, hoạt động kinh doanh của Hoàn Vũ Sài Gòn không ổn định. Trong đó ghi nhận lỗ nặng ở các năm 2016, 2018 và 2020, đặc biệt trong năm 2016 Hoàn Vũ Sài Gòn lỗ 56,5 tỷ đồng. Hai năm còn lại có năm 2017 ghi nhận lãi ròng 1,8 tỷ đồng và năm 2019 lãi 16,9 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2020, tổng tài sản của Hoàn Vũ Sài Gòn khoảng 806 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt gần 435 tỷ đồng, thấp hơn số vốn điều lệ 650 tỷ đồng.

Đức Huy

Bức tranh kinh tế Hà Nội 8 tháng đầu năm: IIP tăng 5,4%, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 40 tỷ USD
Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê TP Hà Nội, nền kinh tế thủ đô đã có những bước tiến đáng kể trong 8 tháng đầu năm nay. Trong đó, hoạt động sản xuất công nghiệp ghi nhận tăng 0,1% so với tháng trước và 5,4% cùng kỳ, thu hút FDI vượt 71% so với năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 40 tỷ USD...