Ai đã mua 10% vốn Masan High-Tech Material từ đối tác Nhật Bản?
Sáng nay (30/5), thị trường UPCoM xuất hiện giao dịch thỏa thuận 109.915.542 cổ phiếu MSR của Masan High-Tech Material tại mức giá 14.800 đồng/cp, tương ứng với tổng giá trị 1.626,75 tỷ đồng (gần 64 triệu USD). Bên bán ra là khối ngoại và lực cầu đối ứng là nhà đầu tư trong nước.
Khối lượng cổ phiếu giao dịch trên tương đương với lượng cổ phiếu do Mitsubishi Materials Corporation - cổ đông lớn thứ hai của Masan High-Tech Material thực hiện. Trước đó, tổ chức đến từ Nhật Bản đã bán ra toàn bộ lượng cổ phiếu trên trong khoảng thời gian từ ngày 30/5 đến ngày 10/6.
Như vậy, khả năng cao tổ chức trên đã thức hiện bán ra ngay trong ngày đầu tiên đăng ký giao dịch.
Mức giá thỏa thuận của Mitsubishi Materials Corporation thấp hơn khoảng 20% thị giá trên sàn của MSR. Nhưng với giao dịch thỏa thuận lô lớn, hai bên mua bán thường đã “chốt deal” từ trước với mức giá đã được thương thảo. Do đó, việc tham chiếu thị giá trên sàn của cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa.
Với việc nội khối mua vào 10% lượng cổ phần như trên, phía mua có thể sẽ công bố việc trở thành cổ đông lớn trong những ngày tới. Tuy nhiên, với việc phía bán chia thành ba lô khi giao dịch thỏa thuận, không ngoại trừ khả năng bên mua phân mảnh, khi đó sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin.
Trở lại với Mitsubishi Materials Corporation, tổ chức này rót vốn vào Masan High-Tech Material cách đây tròn 43 tháng. Ngày 30/10/2020, công ty khoáng sản trong hệ sinh thái Masan công bố chào bán riêng lẻ 10% vốn cho Mitsubishi Materials Corporation với tổng giá trị thương vụ là 90 triệu USD (tương đương 0,82 USD hay 19.054 đồng/cp). Điều này đồng nghĩa, tổ chức ngoại trên đã lỗ gần 30% vốn với thương vụ.
Về phần thương vụ thỏa thuận đầu tư chiến lược, khi cổ đông rót vốn vào Masan High-Tech Material, hai bên kỳ vọng hình thành liên minh chiến lược trong ngành vonfram thông qua phát triển một đơn vị kinh doanh độc lập. Khi đó, phần lớn số tiền từ chào bán (2.052 tỷ đồng) được sử dụng để góp 100% vốn vào Công ty TNHH Một thành viên Tài Nguyên Masan Thái Nguyên.
Thuyết minh trên báo cáo tài chính, Masan High-Tech Material đã cung cấp cho Mitsubishi Materials Corporation quyền chọn bán. Theo bản sửa đổi bổ sung ngày 21/12/2023, hai bên đã thống nhất thực hiện quyền chọn bán trong ba trường hợp. Thứ nhất, hai bên không thể thiết lập được liên doanh mảng kinh doanh vonfram chế biến cận sâu tính đến ngày 29/2/2024. Thứ hai, khi có sự thay đổi quyền kiểm soát công ty. Cuối cùng là trong một khoảng thời gian được thống nhất bằng văn bản giữa các bên.
Theo đó, Mitsubishi Materials Corporation có quyền không hủy ngang để yêu cầu Masan High-Tech Material hoặc bên được chỉ định mua 10% vốn trên với giá bằng số tiền 2.094 tỷ đồng trừ đi số tiền mà MMC đã thu được từ bán cổ phần và cổ tức, lợi nhuận đã nhận được.
Trong trường hợp này, dường nhưMitsubishi Materials Corporation đã kích hoạt điều khoản thực hiện quyền chọn bán như vừa nêu trên đi kèm với một điều khoản khác.
Trung tuần tháng 5 vừa qua, Masan High-Tech Materials công bố bán 100% vốn H.C. Starck Holding GmbH (HCS) cho Mitsubishi Materials Corporation Group. HCS là công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Masan High Tech Materials, là nhà sản xuất bột vonfram chất lượng cao. MHT đầu tư vào HCS năm 2020 với mục tiêu đưa công nghệ tinh chế và tái chế vonfram về Việt Nam.
Ít ngày sau khi thông tin được công bố, Mitsubishi Materials Corporation đã công bố bán toàn bộ 10% vốn MSR và giao dịch khả năng hoàn tất như vừa nêu trên.