Agribank gia nhập cuộc đua cho vay trả nợ ngân hàng khác, lãi suất từ 6%/năm
Mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) đã chính thức triển khai gói cho vay khách hàng cá nhân trả nợ trước hạn khoản vay tại các ngân hàng khác với lãi suất từ 6%/năm, áp dụng từ ngày 3/10.
Theo đó, khách hàng được vay vốn lên đến 30 năm (nhưng không vượt quá thời hạn vay còn lại của khoản vay tại ngân hàng đang vay) với số tiền vay tối đa 100% số tiền dư nợ gốc và số tiền cam kết còn lại chưa giải ngân (nếu có) của khoản vay cũ và phù hợp với quy định của Agribank.
Mức lãi suất ưu đãi được Agribank đưa ra là6%/năm trong 06 tháng đầu hoặc từ 6,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc từ 7,5%/năm trong 24 tháng đầu. Ngân hàng cho biết sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay theo tình hình thực tế.
Về tài sản thế chấp, khách hàng vay sẽ được sử dụng đa dạng các loại tài sản để bảo đảm cho khoản vay, như: bất động sản, số dư tiền gửi, thẻ tiết kiệm, giấy tờ có giá do ngân hàng thương mại phát hành, trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh thanh toán, tín phiếu Kho bạc Nhà nước.
Trước đó, vào đầu tháng các Big4 khác như Vietcombank, BIDV, VietinBank đều đã lần lượt công bố triển khai chương trình cho vay đảo nợ từ ngân hàng khác với lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, việc thực hiện đảo nợ về các ngân hàng này không thực sự dễ dàng.
Vướng mắc lớn nhất với hình thức cho vay này là tài sản đảm bảo. Để hạn chế rủi ro trong giao dịch, ngân hàng cho vay mới luôn mong muốn khách hàng có tài sản thế chấp khác để đảm bảo cho phần giải ngân trả nợ cho TCTD khác.
Trong trường hợp khách hàng không có tài sản khác, để dùng chính tài sản đang được thế chấp tại TCTD khác thì người vay có thể phải tự huy động tiền để tất toán và chỉ được ngân hàng giải ngân mới khi tài sản được hoàn tất thế chấp mới. Điểm này cũng là một trong những "cái khó" của những người vay khi không thể tự xoay được số tiền lớn trong thời gian ngắn như vậy.
Trên thực tế, một số ngân hàng thực hiện "tái tài trợ" đã đồng ý giải ngân trả toàn bộ gốc còn lại và nhận chính tài sản đang được thế chấp kia làm tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, do quá trình thực hiện vẫn tiềm ẩn rủi ro (khi chưa ký được hợp đồng thế chấp tài sản) nên nhiều ngân hàng khá e ngại việc thực hiện theo quy trình này.
Ngoài ra, khách hàng vay phải chuẩn bị hồ sơ vay như vay mới thông thường đồng thời phải chịu thêm nhiều khoản phí như phí phạt trả nợ trước hạn (từ 1% đến 4% giá trị khoản vay), phí thẩm định tài sản, phí công chứng tài sản, phí đăng ký thế chấp tài sản,...