ADB điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2023 xuống 5,8%
Tại họp báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sáng 27/9, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam đánh giá 2023 là một năm đầy thách thức với kinh tế Việt Nam. Cầu bên ngoài yếu, cùng với sự phục hồi chậm của Trung Quốc ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu. Dù vậy, nền kinh tế vẫn trụ vững nhờ tiêu dùng nội địa mạnh được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải.
ADB điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 xuống mức 5,8%, so với mức 6,5% trước đó phản ánh lực cầu yếu hơn trên toàn cầu so với trước đây.
Tăng trưởng 2024 dự báo đạt 6% do nền kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế lớn và bất ổn địa chính trị tiếp tục diễn ra. Dự báo lạm phát cũng giảm xuống, mức 3,8% năm 2023 và 4% năm 2024.
Nói về rủi ro với nền kinh tế thời gian tới, đại diện ADB đề cập đến sự suy giảm đáng kể của kinh tế toàn cầu và lãi suất duy trì ở mức cao ở ở Mỹ, châu Âu – các đối tác thương mại chính của Việt Nam. Ngoài ra, đà tăng của USD tạo ra thách thức lớn hơn nữa với kinh tế Việt Nam.
Dự báo về xuất nhập khẩu, ADB cho rằng nhu cầu thế giới suy yếu sẽ tác động tiêu cực tới triển vọng thương mại trong các tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024. Tuy nhiên, xuất khẩu trong tháng 8 năm 2023 cho thấy tín hiệu phục hồi khi tăng 7,7% so với tháng trước.
Tăng trưởng xuất - nhập khẩu dự kiến sẽ quay trở lại mức khiêm tốn 5% trong năm nay và năm sau. Thặng dư tài khoản vãng lai trong năm nay ước tính khoảng 3% GDP. Khi hoạt động sản xuất được phục hồi, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng lên, cán cân tài khoản vãng lai dự kiến sẽ giảm còn 2% GDP vào năm 2024.
Các lĩnh vực khác được dự báo sẽ có phục hồi tốt. Dịch vụ dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhờ sự hồi sinh của ngành du lịch và các dịch vụ liên quan. Trong tháng 8, doanh số bán lẻ tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, giúp doanh số của 8 tháng đầu năm 2023 tăng 10% so với cùng kỳ. Ngoài ra, nông nghiệp sẽ được hưởng lợi từ giá lương thực tăng và dự báo lĩnh vực này đạt mức tăng trưởng 3,2% trong năm 2023.
Trả lời về vấn đề tỷ giá tăng gần đây, ông Nguyễn Bá Hùng, kinh tế trưởng của ADB đánh giá NHNN đang điều hành linh hoạt, nới rộng biên độ, các biến động tỷ giá nằm trong biên độ đặt ra từ trước. Vì thế, NHNN chưa gặp khó khăn về chính sách với tỷ giá.
Ông Hùng đánh giá trong bối cảnh hiện nay, giảm lãi suất chỉ là một yếu tố tác động đến cung cầu ngoại tệ. Người dân muốn giữ tiền USD thay vì VND vì lãi suất thấp, khiến cầu ngoại tệ tăng lên. Tuy nhiên, xuất khẩu chưa cải thiện nhiều nên chưa gây ra biến động về cầu quá lớn. Biến động gần đây của tỷ giá liên quan đến thông tin NHNN phát hành tín phiếu trở lại để giảm thanh khoản và cần một thời gian ngắn nữa để ổn định trở lại.