|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

ADB dự báo năm 2023 tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 5,2%, năm 2024 đạt 6%

10:07 | 13/12/2023
Chia sẻ
ADB cho rằng sự phục hồi yếu hơn dự kiến của nhu cầu bên ngoài tiếp tục cản trở tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ của Việt Nam.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa cho biết đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay xuống còn 5,2% so với dự báo trước đó là 5,8%, trong khi tăng trưởng trong năm 2024 được dự báo duy trì ở mức 6%.

Theo ADB, sự phục hồi yếu hơn dự kiến của nhu cầu bên ngoài tiếp tục cản trở tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ, làm chậm quá trình phục hồi của việc làm và tiêu dùng trong nước.

Trước đó trong họp báo hồi tháng 9, ngân hàng này nhận định năm 2024, kinh tế Việt Nam tiếp tục bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế lớn và bất ổn địa chính trị tiếp tục diễn ra.  

Nói về rủi ro với nền kinh tế thời gian tới, đại diện ADB đề cập đến sự suy giảm đáng kể của kinh tế toàn cầu và lãi suất duy trì ở mức cao ở ở Mỹ, châu Âu – các đối tác thương mại chính của Việt Nam. Ngoài ra, đà tăng của USD tạo ra thách thức lớn hơn nữa với kinh tế Việt Nam.

Tăng trưởng xuất - nhập khẩu dự kiến sẽ quay trở lại mức khiêm tốn 5% trong năm nay và năm sau. Thặng dư tài khoản vãng lai trong năm nay ước tính khoảng 3% GDP. Khi hoạt động sản xuất được phục hồi, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng lên, cán cân tài khoản vãng lai dự kiến sẽ giảm còn 2% GDP vào năm 2024.    

 

Các chuyên gia tại đây cũng nâng dự báo với các nền kinh tế đang phát triển ở Châu Á và Thái Bình Dương, sau khi cầu nội địa mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng cao hơn dự kiến tại Trung Quốc và Ấn Độ.

"Nền kinh tế khu vực dự kiến sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm nay, so với mức dự báo trước đó là 4,7% trong tháng 9, theo báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) tháng 12 /2023 được công bố hôm nay. Dự báo tăng trưởng cho năm tới được duy trì ở mức 4,8%", ADB cho hay.  

Kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm nay, so với dự báo trước đó là 4,9%, sau khi tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư công đẩy mạnh tăng trưởng trong quý III. Triển vọng tăng trưởng của Ấn Độ đã được nâng từ 6,3% lên 6,7% sau mức tăng nhanh hơn dự kiến trong giai đoạn từ tháng 7 tới tháng 9, nhờ tốc độ tăng trưởng hai chữ số của lĩnh vực công nghiệp. Mức tăng trưởng được nâng lên của Trung Quốc và Ấn Độ giúp bù đắp nhiều hơn mức giảm dự báo của Đông Nam Á, do hoạt động ảm đạm trong ngành sản xuất chế tạo.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, nhận định: “Châu Á đang phát triển tiếp tục tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ, bất chấp môi trường toàn cầu đầy thách thức. Lạm phát trong khu vực cũng đang dần được kiểm soát. Tuy nhiên, rủi ro vẫn còn đó, từ việc lãi suất toàn cầu tăng cao cho đến các hiện tượng khí hậu như El Niño. Các chính phủ ở Châu Á và Thái Bình Dương cần phải luôn cảnh giác để bảo đảm nền kinh tế có khả năng thích ứng và tăng trưởng bền vững".

Dự báo lạm phát của khu vực trong năm nay đã giảm từ 3,6% trước đó xuống còn 3,5%. Đối với năm tới, lạm phát được dự kiến tăng lên mức 3,6%, so với mức dự báo trước đó là 3,5%.  

Triển vọng tăng trưởng cho Đông Nam Á trong năm nay đã giảm từ 4,6% xuống còn 4,3%, trong bối cảnh nhu cầu đối với các sản phẩm xuất khẩu suy yếu. Triển vọng của các nền kinh tế ở Cáp-ca-dơ và Trung Á tăng nhẹ, trong khi dự báo đối với các nền kinh tế Thái Bình Dương không thay đổi.         

Anh Đào