ACBS: Dòng vốn FDI năm 2022 sẽ tiếp tục đổ về các tỉnh thành này
Trong báo cáo chiến lược đầu tư năm 2022, Chứng khoán ACB (ACBS) dự báo năm 2022 Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với vốn FDI do chuỗi cung ứng toàn cầu cần được tổ chức lại. Việt Nam cũng sẽ là một trong những điểm đến lý tưởng cho các nước ASEAN, đặc biệt là đối với lĩnh vực chế biến và chế tạo, nhờ nguồn lao động có tay nghề cao với chi phí thấp và một số hiệp định FTA được ký kết gần đây sẽ tạo ra môi trường đầu tư tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Cũng như năm 2021, ACBS cho rằng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI năm 2022 sẽ tiếp tục đổ vào các thành phố lớn có cơ sở hạ tầng thuận tiện và các đầu mối công nghiệp lớn như Hà Nội, TP HCM và Bắc Ninh. Thêm vào đó, căng thẳng liên tục giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ là động lực thúc đẩy dòng vốn FDI chảy vào các nước khác, trong đó có Việt Nam, khi các nhà sản xuất toàn cầu đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang nhiều quốc gia.
Trong hai tháng đầu năm 2022, Việt Nam thu hút gần 5 tỷ USD vốn FDI. Dù con số này thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cho thấy tín hiệu tích cực trong đại dịch.
Dẫn đầu cả nước về thu hút FDI hai tháng đầu năm là Bắc Ninh, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,3 tỷ USD, gấp gần 7,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tỉnh cấp mới cho 16 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 33,8 triệu USD; điều chỉnh vốn cho 22 dự án với số vốn điều chỉnh tăng hơn 1,252 tỷ USD.
Đứng thứ hai về thu hút FDI hai tháng 2022 là Thái Nguyên với tổng vốn đăng ký hơn 923 triệu USD, tiếp theo là Hà Nội với hơn 487 triệu USD. TP HCM xếp thứ 7 với tổng vốn đăng ký hơn 232 triệu USD.
Điểm qua các dự án FDI đáng chú ý hai tháng đầu năm gồm có VSIP Bắc Ninh (Singapore) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD; Công ty TNHH Điện tử Samsung Việt Nam (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD đối với nhà máy tại Thái Nguyên.
Ngoài ra còn có dự án mở rộng nhà máy sản xuất thiết bị điện tử, thiết bị mạng và sản phẩm đa phương tiện (Hong Kong, Trung Quốc), được điều chỉnh tăng vốn đầu tư gần 306 triệu USD tại tỉnh Bắc Ninh.
Dự án sản xuất các sản phẩm điện tử, thiết bị mạng và sản phẩm đa phương tiện của Tập đoàn Goertek (Hong Kong, Trung Quốc) tại Khu công nghiệp WHA, Nghệ An, đã tăng vốn đầu tư thêm 260 triệu USD.
Các dự án thương mại và dịch vụ của GE Việt Nam (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư gần 217 triệu USD. Dự án nhà máy sản xuất linh kiện điện tử (JNTC - Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 163 triệu USD nhằm mở rộng dây chuyền sản xuất kính cường lực cho màn hình ô tô và đồng hồ; kính bảo vệ cho camera.
Trong báo cáo vĩ mô tháng 3, CTCP Chứng khoán VNDirect cho rằng cuộc khủng hoảng Nga -Ukraine ít ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và dòng vốn FDIi vào Việt Nam do đầu tư trực tiếp từ Nga và Ukraine vào Việt Nam chỉ chiếm 0,4% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Ngoài ra, xung đột Nga -Ukraine ít có khả năng làm gián đoạn chuỗi cung ứng của ngành sản xuất Việt Nam do nhập khẩu của Việt Nam từ các nước này chỉ chiếm 0,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam (trong đó nhập khẩu chính là thép và than).
Tuy nhiên, các nhà sản xuất Việt Nam có thể phải đối mặt với áp lực chi phí đầu vào gia tăng bởi giá các mặt hàng cơ bản đang tăng mạnh do xung đột giữa Nga và Ukraine.