|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tập đoàn Nhật Bản đầu tư dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội 4,2 tỷ USD từng là chủ đầu tư nhiều dự án lớn

10:56 | 26/03/2022
Chia sẻ
Bên cạnh dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội với tổng vốn đầu tư 4,2 tỷ USD, Tập đoàn Sumitomo còn là chủ đầu tư nhiều dự án lớn. Tiêu biểu như tổng thầu xây dựng đoạn trên cao Metro số 1, nhà máy nhiệt điện Phả Lại,...

Chiều 23/3, lãnh đạo TP Hà Nội đã có buổi tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, Tập đoàn Sumitomo và CTCP Tập đoàn BRG để trao đổi về dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội (BRG Smart City Đông Anh). 

Dự án Thành phố thông minh do Liên doanh Tập đoàn Sumitomo và Tập đoàn BRG đầu tư với quy mô vốn gần 4,2 tỷ USD (tương đương hơn 96.000 tỷ đồng). Tổng diện tích dự án gần 272 ha, thuộc các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ - Huyện Đông Anh. 

Đây là dự án được lập dựa trên quy hoạch đô thị thông minh dọc trục Nhật Tân – Nội Bài, chiều dài khoảng hơn 11 km, từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài. Dự án được động thổ ngày 6/10/2019 và dự kiến hoàn thành toàn bộ 5 giai đoạn vào năm 2028. 

 Phối cảnh Dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội. (Ảnh: BRG). 

Dự án có 6 tính năng thông minh gồm: Năng lượng thông minh, giao thông thông minh, học tập thông minh, quản trị thông minh và kinh tế thông minh. Trong ảnh là dự án nhìn từ đường Hoàng Sa. Trong đó, tòa tháp tài chính 108 tầng Phương Trạch là điểm nhấn của Thành phố thông minh.

Trong số hai nhà đầu tư dự án này, bên cạnh cái tên quen thuộc là Tập đoàn BRG còn có sự góp mặt của Tập đoàn Sumimoto - một trong 4 tứ đại tài phiệt zaibatsu của Nhật Bản (cùng với Mitsubishi, Yashuda và Mitsui) chi phối kinh tế Nhật Bản trước Thế chiến II). 

Được biết đến là một trong những đơn vị xây dựng hạ tầng các KCN hàng đầu thế giới, hiện tập đoàn đã đầu tư xây dựng ba KCN tại Việt Nam, gồm: KCN Thăng Long (Hà Nội), KCN Thăng Long II (Hưng Yên), KCN Thăng Long Vĩnh Phúc.

Ngoài ra, tập đoàn cũng là chủ đầu tư nhiều dự án tiêu biểu trong cả nước như: Dự án thành phố thông minh tại Hà Nội, siêu thị Fuji mart; tổng thầu xây dựng đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị số 1 TP HCM (Bến Thành – Suối Tiên); tổng thầu xây dựng các nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Duyên Hải 3 mở rộng, Phú Mỹ 2-2 và nhiều hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu khác…

Sumitomo Corporation là một trong những tập đoàn thương mại và đầu tư lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh: Reuters).

Sumitomo bắt đầu hoạt động ở Việt Nam từ năm 1955 với một văn phòng đại diện và năm 2007 đã trở thành Công ty Sumitomo Corporation Vietnam. Bên cạnh đó, Tập đoàn này cũng liên kết với các tổ chức tài chính tại Việt Nam. Điển hình là thương vụ hợp tác 14 năm với Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).

Song, mới đây, SMBC chính thức công bố chấm dứt hợp tác với Eximbank nhưng ngân hàng vẫn tiếp tục phát triển đầu tư vào thị trường Việt Nam qua các chi nhánh tại Hà Nội và TP HCM và việc rót vốn đầu tư vào công ty tài chính tiêu dùng FE Credit.

Trong tháng 10/2021, VPBank thành công thương vụ chuyển nhượng 49% vốn điều lệ FeCredit cho đối tác SMBC với giá 1,4 tỷ USD.

Tính đến nay, Tập đoàn Sumitomo có mặt tại 65 quốc gia với hơn 75.000 nhân viên trên toàn cầu. Theo báo cáo tài chính kiểm toán kết thúc vào ngày 31/3/2021, tổng tài sản của tập đoàn đạt gần 73 tỷ USD. Doanh thu của Sumitomo rơi vào khoảng 42 tỷ USD. 

Zaibatsu là một từ tiếng Nhật dùng để chỉ các tập đoàn kinh doanh tài chính và công nghiệp ở Đế quốc Nhật. Sức ảnh hưởng và tầm vóc của các zaibatsu cho phép chúng kiểm soát các phần quan trọng của nền kinh tế Nhật Bản từ thời Minh Trị cho đến khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai.

Sau gần 100 năm hình thành và phát triển, Sumitomo Corporation trở thành một trong những tập đoàn thương mại và đầu tư lớn nhất Nhật Bản với nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh quy mô toàn cầu như đầu tư xây dựng, giao thông vận tải, khoáng sản, năng lượng, hóa chất và điện tử…

Phương Trang