ACBS: Giá phát hành riêng lẻ của BIDV có thể lên tới 59.000 đồng/cp
Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán ACB (ACBS) đã có những ước tính về giá và tác động từ thương vụ phát hành riêng lẻ sắp tới của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID).
Kế hoạch phát hành riêng lẻ đã được nêu ra từ hai năm trước với dự kiến ban đầu là phát hành 455 triệu cổ phiếu, tương ứng tăng 9%, tuy nhiên vẫn chưa thực hiện được do tình hình chưa thuận lợi.
"Chúng tôi đã rất nỗ lực để thực hiện việc này, đã tiếp xúc tổng cộng 38 nhà đầu tư trong 3 năm qua nhưng có điều không thuận lợi là tình hình kinh tế các nước, sự thu hẹp của khẩu vị rủi ro của các NĐT đối với thị trường mới nổi, cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước sẽ làm giảm sút việc mở rộng đầu tư vào Việt Nam", Ông Phan Đức Tú - Chủ tịch BIDV chia sẻ tại đại hội năm 2023.
Việc thực hiện tiếp tục được đưa sang năm 2024 và tại đại hội đồng cổ đông thường niên hồi tháng 4, BIDV đã trình và thông qua kế hoạch tăng vốntừ hơn 57.004 tỷ đồng lên trên 70.624 tỷ đồng bằng phát hành thêm1.361 triệu cổ phiếu.
Trong đó, 1.197 triệu cổ phiếu là để trả cổ tức và phát hành riêng lẻ gần 165 triệu cổ phiếu tương đương 2,89% vốn điều lệ (vốn tính tại thời điểm 31/12/2023).
BIDV cho biết số cổ phiếu chào bán riêng lẻ áp dụng với đối tượng là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và là nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước, có thể bao gồm một số cổ đông hiện hữu của BIDV.
Giá chào bán sẽ xác định theo nguyên tắc giá thị trường, số cổ phần chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và một năm với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên 2024,ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết kế hoạch tăng vốn này của BIDV đã nhận được sự quan tâm cụ thể của các nhà đầu tư. "Hiện nhà đầu tư đang xem xét và chúng tôi đang trong thời gian làm việc với nhà đầu tư”, ông nói.
Vị này cũng cho hay ngân hàngđã có kế hoạch phát hành trong ngắn hạn sau khi được sự phê duyệt của cơ quản quản lý Nhà nước.
“Với số còn lại, khoảng 6,11% vốn điều lệ chúng tôi sẽ tích cực làm việc với các nhà đầu tư trong nước. BIDV sẽ triển khai tích cực, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước trước khi xin ý kiến tại đại hội cổ đông”, ông Trần Phương cho hay.
Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết thêm rằng trong năm 2024, tùy theo tình hình thị trường, nếu các nhà đầu tư đánh giá tích cực về năng lực, triển vọng kinh doanh của BIDV thì có thể sẽ triển khai ngay phương án trên. Nếu tốt hơn nữa thì từ nay đến cuối năm BIDV sẽ tiếp tục triển khai phương án phát hành thêm.
Mức giá phát hành riêng lẻ ước tính từ 48.000 - 59.000 đồng/cp
Ước tính về giá, ACBS cho biết vào năm 2019, BlDV đã phát hành riêng lẻ 15% vốn cho KEB Hana Bank với giá phát hành tương đương P/E trượt 12 tháng (trước khi bán vốn) là 22,2 lần và P/B sau phát hành là 2 lần.
Các chuyên viên phân tích lưu ý tại thời điểm đó, BIDV đang trong giai đoạn tái cấu trúc nợ xấu và lợi nhuận chỉ ở mức thấp, do đó, hệ số định giá P/E của thương vụ trên không đáng tin cậy và P/B sẽ là thước đo hợp lý hơn.
Dựa trên giả định rằng, mức định giá của lần phát hành riêng lẻ sau thường không thấp hơn so với lần phát hành trước, trong vòng 3-5 năm, các chuyên viên ước tính giá phát hành lần này cũng sẽ gấp khoảng 2 lần giá trị sổ sách (P/B 2 lần). Tương ứng với mức giá từ 48.000 đến 59.000 đồng/cp, tùy vào thời điểm phát hành.
Phiên chiều ngày 25/7, cổ phiếu BIDV đang được giao dịch ở mức 46.000 đồng/cp, thấp hơn cả mức sàn giá phát hành do ACBS dự phóng.
Về tác động, ACBS dự báo hệ số an toàn vốn (CAR) sau phát hành của BIDV sẽ được cải thiện thêm khoảng 1,6 điềm %.
Việc cải thiện hệ số này đối với BIDV có vai trò quan trọng hơn so với các ngân hàng khác. Nguyên nhân là CAR của BIDV đến cuối năm 2023 chỉ ở mức 9,18%, tương đối sát với yêu cầu tối thiểu là 8% và thấp hơn trung bình toàn ngành (đến cuối tháng 5/2024 là 12%).
Việc phát hành tăng vốn sẽ giúp cải thiện khả năng tăng trưởng tín dụng của BIDV cũng như nhằm chuẩn bị cho những tiêu chuẩn khắt khe hơn về vốn của Basel III trong tương lai.
Tuy nhiên, với việc tăng hơn 20% quy mô vốn chủ sở hữu, ROE của BID sẽ đối mặt với áp lực giảm, dự báo từ mức trên 17% ở thời điểm hiện tại xuống khoảng 15% sau khi phát hành, tương đương với trung bình ngành, ACBS nhận định.