'Ác mộng' của các công ty khởi nghiệp
Mặc dù có rất nhiều công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhưng Malaysia dường như không thể thu hút được lượng vốn đầu tư mạo hiểm như Singapore hay Indonesia. Những người trong ngành cho biết lựa chọn của các nhà đầu tư đang bắt đầu thay đổi, có khả năng hướng tới những công ty khởi nghiệp có lợi nhuận, hơn là các dự án mạo hiểm hơn.
Mảnh đất ươm mầm của các công ty khởi nghiệp
Giống như nhiều doanh nhân khác ở Đông Nam Á, doanh nhân 35 tuổi người Malaysia Lee Zhern Je đã bỏ công việc ổn định để đặt cược vào bản thân. Năm 2015, anh từ chức tại một công ty tư vấn lớn ở Kuala Lumpur để thành lập công ty tiếp thị kỹ thuật số Epic Unicorn.
Được truyền cảm hứng từ người cha tự lập, anh Lee và đối tác kinh doanh đã biến các kỹ năng công nghệ thông tin của mình thành công việc kinh doanh và nhanh chóng có lợi nhuận.
Doanh nhân Lee cho biết anh không thể dấn thân vào những công ty khởi nghiệp cần vốn đầu tư và thời gian, thay vào đó cần thứ gì đó có thể bán và sinh lời ngay tức thì.
Hiện có văn phòng ở Australia và Campuchia, anh Lee cho biết mức lương thấp kéo dài đã buộc nhiều người ở Malaysia phải bắt đầu công việc kinh doanh riêng. Người Malaysia thường cảm thấy hụt hẫng khi so sánh mình với những người cùng lứa tuổi ở Singapore vốn được trả lương cao hơn mặc dù có năng lực ngang nhau, được giáo dục tốt và có kỹ năng tương đương với nhân lực ở Singapore và các quốc gia phát triển khác.
Tuy nhiên, do thiếu vốn đầu tư mạo hiểm và các khoản đầu tư tương tự, giới chuyên gia cho rằng nhiều công ty khởi nghiệp ở Malaysia không có điều kiện mở rộng quy mô hoặc xây dựng doanh nghiệp theo mô hình tăng trưởng dài hạn và thay vào đó buộc phải nhanh chóng thu được lợi nhuận.
Sự kết hợp của các yếu tố này đã tạo ra mảnh đất ươm mầm ở Malaysia cho những công ty khởi nghiệp đổi mới có khả năng sinh lời nhanh chóng nhưng lại không thu hút được nguồn vốn đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng bước ngoặt có thể đang đến gần khi chiến lược của các nhà đầu tư thay đổi.
Big Dataworks không chỉ số hóa sự tuân thủ của chính phủ tại cơ quan quản lý doanh nghiệp quốc gia là Ủy ban Công ty Malaysia, mà còn thiết lập một cổng thông tin trực tuyến cho phép công chúng mua dữ liệu từ cơ quan quản lý mà không cần phải trực tiếp đến để nhận dịch vụ tại quầy.
Giám đốc Điều hành của Big Dataworks, Shah Zeck, nhà cung cấp giải pháp dữ liệu lớn, có thể chứng thực rất nhiều cơ hội ở Malaysia mà các công ty nhỏ như công ty của ông có thể khai thác.
Ông Zeck cho biết trong khi nhiều chính phủ trên toàn cầu đã tự động hóa các dịch vụ, Malaysia vẫn còn nhiều bộ máy quan liêu đang rất cần cải tổ về kỹ thuật số.
Việc huy động vốn để phát triển rất khó khăn vì không có trung tâm tập trung nào để kết nối các nhà đầu tư với những công ty khởi nghiệp Malaysia.
Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Toàn cầu Malaysia, Nordin Abdullah, cho biết, các công ty nội địa như Big Dataworks đang thu được lợi nhuận khi Chính phủ Malaysia tìm cách cải thiện hiệu quả trong khu vực công.
Vòng luẩn quẩn trong thu hút vốn đầu tư mạo hiểm
Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu Khazanah Malaysia, số người đăng ký học đại học ở Malaysia đã bùng nổ trong ba thập kỷ qua, với tỷ lệ lực lượng lao động có bằng đại học hoặc tương đương tăng lên hơn 30% từ mức khoảng 6% trước đây.
Tuy nhiên, một nửa số sinh viên mới tốt nghiệp có mức lương khởi điểm dưới 2.000 ringgit (424 USD)/tháng mặc dù có công việc đòi hỏi tay nghề cao. Ở nước láng giềng Singapore, mức lương trung bình hàng tháng của sinh viên mới tốt nghiệp là 4.200 đô-la Singapore (3.140 USD).
Tăng trưởng tiền lương ở Malaysia đã chậm lại trong thập kỷ qua mặc dù nước này đã áp dụng quy định lương tối thiểu, do người lao động trong nước có khả năng thương lượng thấp và nhiều công ty sử dụng lao động nhập cư.
Trong khi đó, chi phí sinh hoạt lại cao một cách không tương xứng. Ví dụ, một người sử dụng phương tiện giao thông công cộng ở Thung lũng Klang (Malaysia) sẽ có chi phí sinh hoạt gần 2.000 ringgit/tháng. Con số này gần ngang bằng toàn bộ chi phí sinh hoạt của một sinh viên mới tốt nghiệp. Đối với những người có ô tô và các chi phí khác, khoản lương đó sẽ không đủ.
Đây là một trong những lý do khiến nhiều người Malaysia bắt đầu kinh doanh riêng. Hơn 97% số lao động ở Malaysia tự kinh doanh hoặc làm việc cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, so với khoảng 70% ở các quốc gia có thu nhập trung bình thấp và thấp khác.
Mặc dù có rất nhiều công ty khởi nghiệp sáng tạo nhưng Malaysia không thu hút được lượng vốn đầu tư mạo hiểm như những quốc gia khác như Singapore và Indonesia.
Theo bản cập nhật vốn tư nhân từ công ty thị trường Pitchbook tháng 3/2024, Singapore đã thu hút khoảng 80% nguồn vốn đầu tư mạo hiểm của khu vực năm 2023, trong khi Indonesia thu hút hơn 10% và Malaysia đứng thứ ba.
Báo cáo cho biết hoạt động đầu tư mạo hiểm thuần túy tại Malaysia còn khiêm tốn vì nhiều giao dịch được thực hiện thông qua các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao hoặc gia đình giàu có.
Ông Joel Shen, người đứng đầu bộ phận công nghệ tại châu Á của công ty về luật doanh nghiệp Withersworldwide cho biết, Malaysia ít hấp dẫn giới đầu tư mạo hiểm hơn đối với so với các nước láng giềng đông dân hơn và giàu có hơn.
Indonesia có thị trường lớn, trong khi Singapore giàu có và có sự kết nối. Trong khi đó, Malaysia không đủ lớn để trở nên hấp dẫn, cũng không đủ giàu có và kết nối cho việc xây dựng các công ty khởi nghiệp trong khu vực.
Ông Aaron Sarma, doanh nhân, nhà đầu tư mạo hiểm và đối tác chung tại ScalUp Malaysia, một doanh nghiệp hỗ trợ các công ty mới nổi, cho biết tình trạng bất ổn về nguồn vốn này là nguyên nhân thúc đẩy các công ty khởi nghiệp ở Malaysia có lợi nhuận nhưng không nhất thiết phải phát triển doanh nghiệp để đạt được quy mô và tăng trưởng bền vững bằng mọi giá.
Ông cho rằng nếu giới doanh nhân Malaysia không thể huy động vốn để phát triển, họ cần thực sự xây dựng những công ty có lợi nhuận cao. Tuy nhiên, khi nỗ lực để đảm bảo lợi nhuận, các doanh nghiệp nước này có thể không khiến trở nên hấp dẫn như một công ty khởi nghiệp tăng trưởng.
Điều này có thể có nghĩa rằng các doanh nghiệp có xu hướng tập trung vào những mô hình kinh doanh chi phí thấp, tránh rủi ro và không chọn “những dòng doanh thu có khả năng mở rộng nhất”. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn, trong đó có rất nhiều công ty khởi nghiệp có lợi nhuận thành công ở Malaysia nhưng lại có rất ít công ty khởi nghiệp thu hút được vốn đầu tư mạo hiểm và tăng trưởng cao.
Ông Kevin Brockland, đối tác chung của quỹ hạt giống Venture Capital Indelible Ventures, cho biết Malaysia kém hấp dẫn đối với những quỹ đầu tư mạo hiểm vì các nhà đầu tư quan tâm đến những giao dịch khối lượng lớn và vòng luẩn quẩn vẫn tiếp tục.
Malaysia có một số lượng nhỏ các giao dịch chất lượng nhưng không đủ để có một quỹ quốc gia chuyên dụng, cũng như không ở mức đủ để nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm thành lập văn phòng quốc gia.
Ông Brockland mô tả Malaysia là “sa mạc thủ đô”, buộc nhiều công ty phải áp dụng cách tiếp cận “khởi động” khi kinh doanh với việc sử dụng nguồn vốn bên ngoài tối thiểu.
Không có nhiều vốn ở giai đoạn đầu, các công ty buộc phải thu được lợi nhuận nhanh hơn. Mặt trái của điều này là nhiều doanh nghiệp trong số đó không phát triển doanh thu nhanh như các công ty khởi nghiệp trong khu vực hoặc toàn cầu.
Cục diện đang thay đổi
Báo cáo mới của cơ quan chính phủ Enterprise Singapore vừa công bố cho thấy, trong khi giá trị vốn đầu tư mạo hiểm của Malaysia vẫn ở mức thấp, số lượng giao dịch được thực hiện đang gia tăng.
Ông Shen cho biết, điều đó có nghĩa các quỹ đầu tư mạo hiểm đang thực hiện rất nhiều giao dịch nhỏ ở Malaysia và có thể báo hiệu sự gia tăng mối quan tâm của các nhà đầu tư đối với nước này.
Trong những năm gần đây, những quỹ đầu tư mạo hiểm quan tâm nhiều hơn đến các công ty khởi nghiệp rủi ro hơn, có khả năng mở rộng cao hơn so với những nỗ lực mang lại lợi nhuận nhưng quy mô nhỏ hơn như quầy hàng thực phẩm hoặc trang trại nuôi tôm.
Theo ông Shen, năm 2023 đã chứng kiến vốn đầu tư mạo hiểm được cấp cho các công ty mỹ phẩm, nhà bán lẻ túi xách, thương hiệu chăm sóc cá nhân, trang trại gà, nhà hàng sushi, tức là các doanh nghiệp truyền thống mà trước đây lẽ ra không huy động được nguồn vốn này. Các nhà đầu tư mạo hiểm dồi dào tiền mặt vì họ chưa đầu tư, đang xem xét những doanh nghiệp mà theo truyền thống ít được quan tâm.
Trong khi đó, ông Sarma đồng tình rằng, ngay cả những quỹ đầu tư mạo hiểm không có nhiều tiền mặt cũng đang hướng tới các công ty khởi nghiệp có lợi nhuận thay vì mạo hiểm hơn.
Chính phủ Malaysia đang nhanh chóng hỗ trợ các quỹ đầu tư mạo hiểm thực hiện bước chuyển hướng đó. Vào tháng 3/2024, Quỹ tiết kiệm nhân viên, một cơ quan theo luật định quản lý các kế hoạch tiết kiệm và nghỉ hưu của người lao động trong khu vực tư nhân của Malaysia, đã cam kết hỗ trợ lên tới 53 triệu USD để hợp tác “xúc tác cho các công ty đang ở giai đoạn tăng trưởng trung bình ở Malaysia” với công ty Venture Capital Gobi Partners.
Năm 2023, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đặt mục tiêu có 5.000 công ty khởi nghiệp vào năm 2025, so với khoảng 3.000 công ty hiện nay, và đưa nước này gia nhập Nhóm 20 quốc gia hàng đầu thế giới về hệ sinh thái khởi nghiệp vào năm 2030.
Bộ Khoa học và Công nghệ Malaysia, và Cơ quan quản lý vốn mạo hiểm Malaysia cũng vừa công bố “Lộ trình đầu tư mạo hiểm Malaysia” nhằm đưa ra các cải cách pháp lý, kế hoạch giải phóng thêm vốn của chính phủ và tạo ra một nền tảng tập trung cho những quỹ đầu tư mạo hiểm, giúp họ dễ dàng tiếp cận hơn với thị trường khởi nghiệp của đất nước.
Nếu những nỗ lực này gỡ khó cho vốn đầu tư mạo hiểm, một tương lai rộng mở có thể chờ đợi những người như anh Lee với ước mơ lớn cho công ty khởi nghiệp của mình.