Trong tâm bão virus corona, ABBank cung cấp gói vay ưu đãi 4.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp
Liên quan đến động thái hỗ trợ của ngân hàng đối với doanh nghiệp trong thời điểm dịch virus corona diễn biến phức tạp, bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cho biết đây là đại dịch nguy hiểm, thậm chí có ảnh hưởng lớn hơn cả dịch SARS hồi năm 2002 – 2003.
Sự lây lan nhanh chóng của dịch đang tiềm ẩn những rủi ro lớn đối với nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam do sự tác động trực tiếp tới tâm lí của người dân và nhiều lĩnh vực như tiêu dùng, du lịch, thương mại, sản xuất kinh doanh, nông nghiệp…
Đối với công tác hỗ trợ vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, bà Hương cho biết ABBank tiếp tục triển khai tìm kiếm các khách hàng mới, cung cấp vốn kịp thời cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vay vốn.
Trong thời điểm này, ABBank đã dành ra ngân sách 4.000 tỉ đồng triển khai chương trình nguồn vốn chi phí thấp, ưu đãi lãi suất cho vay dành cho doanh nghiệp vay vốn nhằm giúp tháo gỡ khó khăn về vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Trước đó, ngày 4/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành văn bản số 541/NHNN-TD về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch virus corona.
Cụ thể, Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng cần chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch, chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của người đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch virus corona, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu, ...
Từ đó, kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người vay như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, … theo qui định pháp luật hiện hành.
Đồng thời, chủ động hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong quá trình xử lí các đề nghị tháo gỡ khó khăn về hoạt động vay vốn.
Đối với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, cần nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh và theo dõi diễn biến dịch virus corona, ảnh hưởng của dịch bệnh trên địa bàn để chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, thống kê dư nợ vay bị thiệt hại.
Trên cơ sở đó, kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân phù hợp với các qui định của pháp luật hiện hành.