Ba lý do để tin kinh tế nửa cuối năm sẽ tăng trưởng bất chấp biến động khó lường trên thế giới
Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) bảo lưu quan điểm lạc quan về tăng trưởng bất chấp những biến động khó lường trên thế giới.
Báo cáo cho biết đối diện với những quan ngại về sức cầu của nền kinh tế phục hồi yếu, lĩnh vực tiêu dùng Việt Nam tiếp tục cho thấy tín hiệu phục hồi khả quan trong quý II.
Cụ thể, tăng trưởng lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ghi nhận mức tăng 22,5% so với cùng kỳ trong tháng 5 sau khi đã tăng 12,1% trong tháng trước. Mức tăng mạnh này trải đều từ bán lẻ hàng hóa cho đến dịch vụ, đáng chú ý, do mức nền thấp của cùng kỳ, tăng trưởng doanh số dịch vụ ăn uống, lưu trú và du lịch tăng lần lượt 69,3% và 324,3% so với cùng kỳ trong tháng 5/2022.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 đạt 172.900 lượt người, tăng 70,6% so với tháng trước và gấp 12,8 lần cùng kỳ nhờ sự kiện SEAGames 31. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 9,7% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá, lĩnh vực này ghi nhận mức tăng khoảng 6,3%, hàm ý lạm phát trong lĩnh vực bán lẻ hàng hóa của cả nền kinh tế ở mức 3,4%.
VDSC nhận định sự phục hồi của lĩnh vực này sẽ tăng tốc mạnh trong tháng 6, trên cơ sở mức nền thấp của cùng kỳ khi đợt dịch lần thứ 4 bắt đầu lan rộng cả nước.
Số liệu chi tiết về tăng trưởng trong lĩnh vực bán lẻ cũng cho thấy bức tranh rõ ràng hơn về triển vọng phục hồi nhu cầu tiêu dùng trong nền kinh tế. Cụ thể, mức tăng cao thể hiện ở nhóm lương thực, thực phẩm (tăng 13,1%), văn hóa, giáo dục (tăng 12,8%), lưu trú, ăn uống (tăng 15,7%) và du lịch (tăng 34,7%).
Trong khi đó, bán lẻ hàng hóa một số sản phẩm như phương tiện đi lại và may mặc tăng khá thấp, lần lượt đạt 3,1% và 0,2% hay nhóm đồ dùng gia đình ghi nhận mức giảm 1,6% so với cùng kỳ.
VDSC nhận định điều này cũng hàm ý rằng nhu cầu trong giai đoạn mở cửa tập trung vào nhóm ăn uống, du lịch, giải trí thay vì các mặt hàng có giá trị cao. Diễn biến về chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục củng cố cho luận điểm này. Không xét đến chỉ số giá giao thông do ảnh hưởng của đà tăng của giá xăng dầu thế giới, lạm phát theo cấu phần thể hiện sự tăng nhanh về giá cả của nhóm hàng hóa gồm dịch vụ ăn ngoài, văn hóa và giải trí, giáo dục, đồ uống và thuốc lá trong hai tháng trở lại đây. Các nhóm hàng này chiếm tỷ trong khoảng 22% trong rổ tính CPI.
Trong khi đó, đà tăng giá của các mặt hàng tiêu dùng khác cũng có nhưng chậm hơn như may mặc, đồ dùng gia đình, nhà ở và vật liệu xây dựng.
Một điểm sáng khác của kinh tế vĩ mô tháng 5 là lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Theo số liệu của IHS Markit, chỉ số PMI của Việt Nam đạt 54,7 điểm so với mức 51,7 điểm trong tháng 4. Đáng chú ý, đơn đặt hàng mới và đơn hàng xuất khẩu đều tăng nhanh dù có dấu hiệu cho thấy nhu cầu thế giới bị hạn chế bởi các biện pháp phong tỏa ở Trung Quốc.
Sự tích cực của lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam là khá nổi bật nếu so với chỉ số PMI của khu vực và thế giới. Trong 7 quốc gia ASEAN được khảo sát, chỉ có PMI sản xuất của Việt Nam tăng nhanh hơn trong tháng 5.
Trên toàn cầu, chỉ số PMI sản xuất toàn cầu không thay đổi nhiều so với tháng trước, đạt 52,4 điểm dù vẫn trên ngưỡng 50 điểm nhưng vẫn đang ở gần mức thấp nhất trong vòng 20 tháng.
Đơn hàng xuất khẩu mới trên toàn cầu giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 7/2020 cho thấy bức tranh thương mại toàn cầu không mấy khả quan.
Trong bối cảnh như vậy, chỉ số PMI của Việt Nam đứng ở vị trí thứ 8 trong xếp hạng PMI toàn cầu, thấp hơn PMI của các nền kinh tế đã phát triển nhưng lại vượt trội so với PMI của nhóm nước đang phát triển.
Các thống kê về chỉ số sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu đều cho thấy diễn biến tương đồng với xu hướng của chỉ số PMI. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo ghi nhận mức tăng 12,1% so với cùng kỳ trong tháng 5, cao hơn mức tăng 11,7% của tháng trước.
Mức tăng theo tháng ghi nhận ở lĩnh vực này là 4,9%, cao hơn mức tăng 2,6% của tháng 4. Kim ngạch xuất khẩu ước tăng 16,4% so với cùng kỳ, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 14,5% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,1%.
Đồng thời, nhập khẩu là chỉ báo sớm cho triển vọng xuất khẩu vẫn duy trì mức tăng khoảng 12,9% so với cùng kỳ, mặc dù tốc độ tăng chậm lại so với quý đầu năm.
Mặc dù rất nhiều rủi ro từ bên ngoài đang đe dọa sự phục hồi của kinh tế trong nước, VDSC nhấn mạnh không quá bi quan về triển vọng nền kinh tế trong nửa cuối năm. Cơ sở để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho năm 2022 theo VDSC gồm: sự phục hồi lĩnh vực tiêu dùng tiếp diễn; sự bền bỉ của khu vực sản xuất và xuất khẩu; mức nền thấp của cùng kỳ năm trước.