|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

PMI tháng 5 đạt gần 55 điểm, sản lượng tăng cao nhất trong 13 tháng

11:39 | 01/06/2022
Chia sẻ
PMI tháng 5 đạt 54,7 điểm với sản lượng tăng mạnh và nhanh nhất trong 13 tháng trở lại đây.

Theo báo cáo mới công bố của IHS Markit, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 5 của Việt Nam đạt 54,7 điểm, cao hơn mức 51,7 điểm của tháng trước, cho thấy mức cải thiện theo tháng đáng kể của sức khỏe lĩnh vực tư nhân vào thời điểm giữa quý II.

Ba điểm nổi bật mà báo cáo đề cập đến là sản lượng tăng mạnh hơn trong bối cảnh phục hồi sản xuất từ đại dịch; tốc độ tạo việc làm nhanh hơn và mức độ chậm trễ giao hàng tăng lên.

 

Trong đó, sản lượng tăng mạnh và nhanh nhất kể từ tháng 4/2021, số lượng đơn đặt hàng mới cũng tăng mạnh khiến các nhà sản xuất tăng hoạt động nguyên liệu sản xuất và tuyển dụng lao động.

Các nhà sản xuất cho biết sản lượng tháng vừa rồi tăng mạnh và nhanh nhất trong 13 tháng trở lại đây là nhờ số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng với tốc độ đáng kể khi nhu cầu khách hàng được cải thiện. 

Tăng trưởng của số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng nhanh hơn, nhưng đã yếu hơn so với mức tăng của tổng số lượng đơn đặt hàng mới khi có một số báo cáo của thành viên nhóm khảo sát cho thấy biện pháp phong tỏa ở Trung Quốc đã làm hạn chế nhu cầu quốc tế. 

Với việc số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh và mạnh, các nhà sản xuất phải đẩy mạnh tuyển dụng vào thời điểm giữa quý II. Việc làm đã tăng tháng thứ hai liên tiếp với mức nhanh và mạnh nhất kể từ tháng 4/2021.

 

Tháng 5 vừa qua cũng ghi nhận hoạt động mua nguyên liệu sản xuất tăng cao nhất 3 tháng gần đây. Nhờ sản lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh và nhanh nên tồn kho hàng hóa đầu vào của hoạt động sản xuất tiếp tục giảm tháng thứ hai liên tiếp, mặc dù chỉ giảm nhẹ. Tồn kho thành phẩm cũng ghi nhận giảm và đây là lần giảm mạnh thứ hai trong 10 tháng gần đây để trả đơn hàng mới của đối tác.

Báo cáo cho biết tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 có dấu hiệu chậm lại. Chi phí đầu vào và giá bán thành phầm đều tăng chậm nhất kể từ tháng 3/2022. Các nhà sản xuất cũng cho biết chi phí dầu và khí đốt tăng, cùng với mức tăng của phí vận chuyển cũng tạo thêm áp lực cho lạm phát. Để bù đắp, các công ty đã chuyển gánh nặng giá cả sang cho khách hàng.

Ngoài việc kìm hãm tăng trưởng xuất khẩu, một ảnh hưởng khác mà các biện pháp phong tỏa ở Trung Quốc gây ra cho ngành sản xuất Việt Nam là tình trạng chậm chễ trong khâu nhận hàng hóa đầu vào. Thời gian giao hàng của nhà cung cấp đã kéo dài với mức độ trầm trọng hơn so với tháng 4. Các thành viên nhóm khảo sát cho biết những khó khăn trong chuỗi cung ứng cũng là do những vấn đề trong khâu chuyển hàng quốc tế gây ra.

Niềm tin không còn gián đoạn sản xuất do đại dịch trong năm tới đã hỗ trợ cho mức độ lạc quan về sản lượng, và tâm lý kinh doanh đã tăng tháng thứ hai liên tiếp thành mức cao nhất kể từ tháng 1. 

Anh Đào