9 tháng, lợi nhuận khối doanh nghiệp cảng giảm 10%, triển vọng cụm cảng Hải Phòng
Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố báo cáo triển vọng ngành cảng qua kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2016.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng KQKD 9 tháng năm 2016 của các cảng chịu áp lực từ sự suy giảm của lượng hàng lạnh và nguồn cung cảng tại Hải Phòng tăng lên (Cảng VipGreen, cảng Đình Vũ mở rộng công suất,…). Đáng chú ý hơn, nhu cầu XNK hàng hóa qua đây tăng chậm hơn cùng kỳ khiến cạnh tranh giữa các cảng trở nên khá khắc nghiệt.
Theo thống kê của VDSC, mặc dù các cảng nỗ lực tìm kiếm nguồn hàng để bù đắp phần thiếu hụt từ doanh thu hàng lạnh, LNST của khối này vẫn giảm gần 10% so với cùng kỳ năm trước.
Việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát giao dịch biên mậu Việt –Trung chuẩn bị cho Đại hội Đảng nước này năm 2017 và chi phí vận tải gia tăng sau khi Việt Nam thắt chặt kiểm soát tải trọng đường bộ có thể là nguyên nhân làm cho lượng hàng lạnh (chủ yếu thực phẩm) chuyển cảng tại Hải Phòng xuất sang Trung Quốc giảm.
Nguồn: VDSC |
Về khả năng sinh lời, tỷ suất EBITDA bình quân Qúy III/2016 đang cho thấy sự phân hóa về năng lực cạnh tranh giữa các cảng mặc dù vẫn tiếp tục duy trì mức cao. Trong đó, tuy cũng chịu tác động từ yếu tố hàng lạnh, các giải pháp tái cấu trúc kinh doanh và vị trí địa lý thuận lợi của PHP (cảng Tân Vũ) và DVP (cảng Đình Vũ) đang giúp hai cảng này chiếm ưu thế trong thu hút các hãng tàu vào làm hàng. Do đó, tỉ suất EBITDA Quý III năm 2016 của 2 cảng này tăng gần 2 điểm phần trăm so với năm 2015.
Ở chiều ngược lại, xu hướng sử dụng tàu tải trọng lớn để nâng cao hiệu quả của các hãng tàu sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên khả năng cạnh tranh của các cảng thượng nguồn sông Cấm như Nam Hải (GMD), Tập đoàn Container Việt Nam (VSC), Đoạn Xá (DXP) và Hải An.
Vì vậy, triển vọng tăng trưởng kết quả kinh doanh mảng cảng của GMD và VSC có thể sẽ chậm hơn kỳ vọng khi mà sự gia tăng hàng hóa qua các dự án cảng mới tại bến Đình Vũ (VipGreen và NHĐV) sẽ phải phải bù đắp phần nào cho lượng hàng và giá dịch vụ cảng dự báo suy giảm dần tại Greenport và Nam Hải.
Trong dài hạn, VDSC vẫn giữ quan điểm tích cực đối với lĩnh vực khai thác cảng tại Hải Phòng dựa trên nhiều yếu tố.
Trước hết, khu vực Hải Phòng (bao gồm bến Đình Vũ và Lạch Huyện) sẽ là điểm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu chủ lực của cả khu vực miền Bắc theo quy hoạch của Bộ GTVT vào tháng 7/2016.
Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư (cao tốc Hà Nội-Hải Phòng-quảng Ninh, cải tạo QL10, Đường Tân Vũ- Lạch Huyện,…), các chính sách ưu đãi NĐT và vị trí địa lý gần các đối tác thương mại lớn Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan) sẽ giúp Hải Phòng và các tỉnh phía Bắc thu hút dòng vốn FDI mạnh mẽ kéo nhu cầu XNK hàng hóa tăng mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, NĐT cũng cần lưu ý lượng hàng tăng thêm này sẽ có độ trễ nhất định từ lúc giải ngân đầu tư đến thời điểm sản xuất thương mại.
Trong bức tranh tăng trưởng chung ấy, triển vọng của từng doanh nghiệp cảng tại Hải Phòng sẽ không giống nhau. Theo VDSC, ba tiêu chí quan trọng trong việc lựa chọn các cổ phiếu cảng bao gồm vị trí cảng, khả năng mở rộng và hiệu quả kinh doanh.
Có thể thấy, các cổ phiếu như VSC, GMD và PHP tương đối đáp ứng các tiêu chí. Đối với VSC, cảng VipGreen vận hành hiệu quả sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính. Diễn biến giá cổ phiếu VSC gần đây đã phần nào phản ánh kỳ vọng của NĐT về lượng hàng qua Hải Phòng tăng chậm lại trong ngắn hạn và KQKD của cảng Xanh (cũ) dự báo suy giảm.
Với lợi thế hệ thống tài sản lớn và mạng khách hàng rộng rải, GMD sẽ trở thành lựa chọn đầu tiên của VDSC nếu Công ty thực hiện triệt để chiến lược thoái vốn ngoài ngành và tập trung kinh doanh cốt lõi. Cuối cùng, PHP cũng rất đáng xem xét nhưng sẽ là một lựa chọn dài hơi khi hiệu quả của công tác tái cấu trúc sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ thoái vốn Nhà nước tại cảng này.