|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

79 doanh nghiệp có vốn nhà nước vẫn còn lỗ luỹ kế tới cuối năm 2020

15:17 | 18/10/2021
Chia sẻ
Tính đến ngày 31/12/2020, có 79 doanh nghiệp trong tổng số 348 đơn vị do Nhà nước góp vốn dưới 100% vốn điều lệ báo lỗ lũy kế với tổng giá trị hơn 20.548 tỷ đồng, phần lớn là các đơn vị do Nhà nước nắm 50% đến dưới 100% vốn.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phước đã có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) do nhà nước nắm giữ từ 50% đến dưới 100% vốn điều lệ (187 DN) và dưới 50% vốn (161 đơn vị).

GVR, Lilama, Vinafood II có hơn 1.000 tỷ đồng nợ xấu hết năm 2020

Tính đến cuối năm 2020, có 187 DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ bao gồm ba tập đoàn cổ phần, 15 tổng CTCP, hai công ty mẹ - con cổ phần và 167 công ty độc lập theo mô hình công ty cổ phần và công ty TNHH hai thành viên trở lên. 

Theo báo cáo, tổng giá trị tài sản theo báo cáo hợp nhất của các DN này là 609.461 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2019. 

Trong đó, khối 20 tập đoàn, tổng công ty (TCT), công ty mẹ - con cổ phần có tổng tài sản là 556.351 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2019 và chiếm 79% tổng tài sản của các DN có vốn nhà nước. Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 24% tổng tài sản. 

Về khoản phải thu, tổng giá trị là 59.505 tỷ đồng, giảm 8% so với năm 2019. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 6.264 tỷ đồng, đã trích lập dự phòng 5.863 tỷ đồng. 

Một số DN có nợ phải thu lớn như Tập đoàn Bảo Việt (8.370 tỷ đồng); Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (7.247 tỷ đồng); Tổng công ty (TCT) Lắp máy Việt Nam (4.967 tỷ đồng); TCT Hàng không Việt Nam (4.787 tỷ đồng),...

Trong đó ba công ty mẹ có nợ xấu trên 1.000 tỷ đồng gồm Công ty mẹ - TCT Lương thực Miền Nam là 1.335 tỷ đồng (đã trích dự phòng 1.334 tỷ đồng); Công ty mẹ - TCT Lắp máy Việt Nam là 1.244 tỷ đồng (đã trích dự phòng 1.180 tỷ đồng); Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là 1.115 tỷ đồng (đã trích dự phòng 483 tỷ đồng).

Doanh nghiệp nhà nước lỗ lũy kế trên 20.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Công ty mẹ - TCT Lắp máy Việt Nam (Lilama) nằm trong nhóm các công ty có trên 1.000 tỷ đồng nợ xấu năm 2020. (Ảnh minh họa: Lilama).

Báo cáo cho biết, tính đến cuối năm ngoái, vốn góp nhà nước là 127.594 tỷ đồng, tương đương năm 2019, trung bình chiếm 86% tổng vốn điều lệ của các DN.

Việc nắm giữ tỷ lệ chi phối chủ yếu tập trung tại các tập đoàn, tổng công ty lớn và các DN cung ứng, sản phẩm, dịch vụ công ích sau khi thực hiện chuyển đổi. 

Tuy nhiên, vẫn còn có một số DN sau khi chuyển đổi thì hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu như: Công ty mẹ - TCT Cơ khí Xây dựng (Nhà nước nắm giữ 98,76% vốn điều lệ, âm vốn chủ sở hữu 54 tỷ đồng); Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam – Đài truyền hình Việt Nam (Nhà nước nắm 50,26% vốn điều lệ, âm vốn chủ sở hữu 3.227 tỷ đồng).

Về tình hình sản xuất kinh doanh, tổng doanh thu đạt 355.460 tỷ đồng, giảm 28% so với năm 2019. Một số công ty có doanh thu trên 5.000 tỷ đồng như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (125.091 tỷ đồng); Tập đoàn Bảo Việt (48.999 tỷ đồng); TCT Hàng không Việt Nam (42.433 tỷ đồng); Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (25.554 tỷ đồng);...

Theo báo cáo hợp nhất có 30/187 DN (chiếm 16%) phát sinh lỗ trong năm, tăng 25% về số lượng so với năm 2019 với tổng số lỗ phát sinh là 12.003 tỷ đồng. Tổng thể, có 35/187 DN (chiếm 19%) báo lỗ lũy kế, với tổng số lỗ 17.739 tỷ đồng.

TCT Sông Hồng lỗ lũy kế hơn 1.000 tỷ đồng

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2020, có 161 DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, bao gồm ba tổng công ty cổ phần, một công ty mẹ - con cổ phần và 157 công ty độc lập hoạt động theo loại hình CTCP và công ty TNHH Hai thành viên trở lên.

Tính đến cuối năm ngoái, tổng tài sản của các DN là 99.741 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2019. 

Các công ty này ghi nhận khoản nợ xấu 1.103 tỷ đồng, chiếm 6% so với tổng các khoản phải thu của DN, trong đó đã trích lập 1.228 tỷ.

Báo cáo cho thấy, Nhà nước nắm trung bình 29% vốn điều lệ tại DN. Bên cạnh đó, vẫn còn có một số DN sau khi chuyển đổi thì hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu.

Đơn cử như Công ty mẹ - TCT Sông Hồng (Nhà nước nắm giữ 49,04%, âm vốn chủ sở hữu 702 tỷ đồng); Công ty liên doanh Hải Thành - TP Hải Phòng (Nhà nước nắm 29,41%, âm vốn chủ sở hữu 153 tỷ đồng); Công ty cổ phần Lương thực và Dịch vụ Quảng Nam, Nhà nước nắm giữ 47,64% vốn điều lệ, âm vốn chủ sở hữu 125 tỷ đồng);...

Về tình hình hoạt động, tổng doanh thu nhóm doanh nghiệp này đạt 79.016 tỷ đồng, giảm 3% so với năm 2019. Lãi phát sinh trước thuế là 5.489 tỷ đồng, tăng 1%.

Các DN có tổng doanh thu cao, trên 1.000 tỷ đồng như: CTCP Cáp điện và Hệ thống LS Vina – Hải Phòng (11.680 tỷ đồng); TCT Thương mại - XNK Thanh Lễ (10.686 tỷ đồng); TCT Thủy tinh và Gốm xây dựng - Viglacera (9.600 tỷ đồng); CTCP Tập đoàn Lộc Trời – An Giang (7.563 tỷ đồng);...

Một số DN có tỷ suất lãi phát sinh trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân đạt cao (trên 30%) như: CTCP Dịch vụ công ích đô thị Tam Kỳ - Quảng Nam (103%); CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (49%);...

Doanh nghiệp nhà nước lỗ lũy kế trên 20.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Trụ sở TCT Sông Hồng. (Ảnh minh họa: Vietnamnet).

Theo báo cáo hợp nhất có 39/161 DN (chiếm 24,2%) phát sinh lỗ trong năm với tổng số lỗ phát sinh là 322 tỷ đồng.

Về lỗ lũy kế, có 44/161 DN báo lỗ lũy kế với tổng 2.809 tỷ đồng, chiếm 27,3% số DN do Nhà nước nắm dưới 50% vốn điều lệ. Tính riêng công ty mẹ, có duy nhất TCT Sông Hồng có lỗ lũy kế lên tới 1.029 tỷ đồng, chiếm 35% số DN báo lỗ lũy kế.

Tính đến ngày 31/12/2020, có 79 DN trong tổng số 348 đơn vị do Nhà nước góp vốn dưới 100% vốn điều lệ báo lỗ lũy kế với tổng giá trị hơn 20.548 tỷ đồng.

Minh Hằng