|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Xu hướng M&A giai đoạn mới: Những người khổng lồ có thể dựa vào nhau hoặc người yếu hơn dựa vào người khổng lồ

12:08 | 16/10/2021
Chia sẻ
Trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vừa qua, nhiều doanh chủ đặt câu hỏi với chuyên gia và chính phủ làm thế nào để doanh nghiệp của mình gượng dậy sau đại dịch mà chưa nghĩ đến các giải pháp như liên kết với đối tác mạnh hơn...

Tại hội thảo "M&A thời đại dịch: Lớn mạnh cùng chuỗi giá trị" diễn ra vào ngày 15/10, chuyên gia nhận định vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng "M&A là một việc thù địch, giống như đánh mất đứa con cưng tốn bao công sức chăm bẳm giờ phải giao cho người khác. Trước đây, mọi người hay nghĩ lại bị thâu tóm mất rồi hoặc doanh nghiệp nội bị doanh nghiệp ngoại nuốt mất rồi. Đó là cách tư duy cũ".

"Thay vì đứng trên vai người khổng lồ, những người khổng lồ có thể dựa vào nhau hoặc người yếu hơn dựa vào người khổng lồ để từ đó tạo nên sức mạnh. Cuộc chơi cũng nên xóa đi những tay chơi yếu kém.

Đào thải là quy luật tất yêu nhưng không ai mong những doanh nghiệp có triển vọng phát triển mất đi cơ hội. Những doanh nghiệp này có thể tìm cách liên kết với các doanh nghiệp mạnh hơn, có mục tiêu, lợi ích tương đồng để cộng hưởng sức mạnh". Đây là nhận định của các chuyên gia về xu hướng M&A trong giai đoạn mới.

Doanh nghiệp nội chủ động tham gia M&A trên sân nhà

Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dịch COVID-19 đã tác động rõ nét đến M&A tại Việt Nam. Thực tế M&A của Việt Nam gắn liền với hoạt động kinh doanh của khối ngoại. 

Trong năm 2019, giá trị M&A cả nước đạt 7,2 tỷ USD và bắt đầu có sự gia nhập của nhiều tập đoàn trong nước. Tuy nhiên trong năm 2020, giá trị này chỉ đạt 3,5 tỷ USD do khối ngoại không thể sang Việt Nam giao dịch.

Mặc khác, trong giai đoạn COVID-19 vừa qua, các doanh nghiệp nội có sự trỗi dậy trong hoạt động M&A. Ông Hiếu chia sẻ, "từng có thời gian chúng ta phải lo lắng doanh nghiệp nước ngoài thôn tính doanh nghiệp Việt và nghĩ rằng chúng ta nên có những chính sách cấm đoán khối ngoại,… nhưng bây giờ những nghi ngại này không còn.

Năm 2018, doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 18% ở bên mua, đến năm 2019-2020, tỷ lệ này tăng lên 30%. Trong giai đoạn 7/2019-7/2021, khoảng 49% doanh nghiệp Việt tham gia M&A ở vị thế bên mua và 70% địa bàn thực hiện diễn ra tại Việt Nam. Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt đã chủ động hơn trong M&A".

Bên cạnh đó, ông Hiếu cho biết hình thức M&A của các doanh nghiệp cũng có sự thay đổi trong ba năm gần đây. Nếu như trước kia M&A mang tính thâu tóm (giao dịch triệt tiêu, một bên sẽ mất đi) thì trong giai đoạn COVID-19, các doanh nghiệp hợp tác, liên kết hình thành chuỗi.

Số liệu từ ông Hiếu cho biết thêm, ở giai đoạn 2019-2021, có 11% giao dịch M&A là thâu tóm, 80% mua lại cổ phần nhằm kiểm soát và 9% liên doanh.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng có xu hướng M&A theo chiều dọc, tức là hình thành chuỗi với tỷ lệ 19%. Các thương vụ theo chiều ngang (các doanh nghiệp kinh doanh trong cùng ngành nghề, thị trường) chiếm 45% và hơn 30% còn lại là các giao dịch hỗn hợp.

Từng có thời gian chúng ta phải lo lắng doanh nghiệp ngoại thôn tính doanh nghiệp Việt và nghĩ rằng chúng ta nên có những chính sách cấm đoán khối ngoại,… nhưng bây giờ những nghi ngại này không còn.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Ngoài ra, các chuyên gia đánh giá hoạt động M&A thời gian gần đây có tính định hướng rất cao. Trước đây khi có rất nhiều tiền, các doanh nghiệp sẽ tham gia nhiều lĩnh vực như trường hợp Vingroup từng có kế hoạch thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, hàng không và gần đây là dự mua một nhà máy test ô tô ở Autralia,… nhưng doanh nghiệp đều đã tạm dừng những kế hoạch này.

Mặt khác, Vingroup có những định hướng phát triển rõ ràng như sản xuất xe điện, mở rộng sang thị trường Mỹ và châu Âu. Hay như trường hợp của Masan và Novaland cũng vậy. Do đó, kết quả M&A tốt hơn rất nhiều thay vì dò đá qua sông như giai đoạn trước đây.

Theo dự báo của các chuyên gia, giá trị M&A có thể tăng mạnh sau dịch, tương tự như các quốc gia đã trải qua giai đoạn này trước. Trong đó, ông Hiếu lưu ý, doanh nghiệp nội không thể gượng dậy trên con đường cũ mà phải tự cấu trúc và M&A là công cụ có nhiều lợi ích doanh nghiệp sẽ sử dụng.

Xu hướng M&A giai đoạn mới: Những người khổng lồ có thể dựa vào nhau hoặc người yếu hơn dựa vào người khổng lồ - Ảnh 2.

Nova Group liên tục M&A nhiều thương hiệu trong thời gian qua. Trong đó, Nova Consumer Group (thuộc Nova Group) đã mua lại thương hiệu PhinDeli hồi đầu năm. (Ảnh: Nguyên Ngọc).

Cơ hội thay đổi chân dung doanh nghiệp Việt

Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam đánh giá "thời điểm này giống như cơn bão vừa quét qua, các doanh nghiệp cần dọn dẹp lại để đứng dậy mạnh hơn và các doanh nghiệp yếu phải nhường sân. Tai họa có thật nhưng có lẽ cơ hội thay đổi chân dung doanh nghiệp Việt chưa bao giờ lớn như vậy".

Song, để hiện thực hóa được cơ hội này, ông Thiên cho rằng cần có những cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong tiến trình M&A. Trong đó, nếu chính phủ đặt mục tiêu sống còn là lực lượng doanh nghiệp Việt phải mạnh thì cần nỗ lực thay đổi chính sách để thúc đẩy quá trình này. 

Thời điểm này giống như cơn bão vừa quét qua, các doanh nghiệp cần dọn dẹp lại để đứng dậy mạnh hơn và các doanh nghiệp yếu phải nhường sân. Vài năm nữa là thời điểm vàng cho các đội tuyển Việt Nam lớn mạnh

Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam

"Tôi cho rằng thủ tục hiện nay vẫn còn lằn nhằn, khó khăn. Điều kiện về cơ chế chính sách còn phức tạp. Chính phủ cần hiểu được đây là câu chuyện chung của quốc gia chứ không phải riêng một vài doanh nghiệp tranh thủ gom góp tài sản để lớn lên", ông Thiên cho biết.

Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần có sự nỗ lực, phân tích các giao dịch chiều ngang hay chiều dọc, từ đó lựa chọn cách thức thực hiện M&A hiệu quả. Trong trường hợp giao dịch theo chiều ngang, các doanh nghiệp có thể mở ra mặt trận mới về tài sản hoặc công nghệ. 

Theo ông Thiên, lúc này các doanh nghiệp có khả năng cần phải tham gia để đóng vai trò dẫn dắt, chứ không phải chờ các đối tác nước ngoài vào "dọn dẹp".

Về giao dịch theo hàng dọc, ông Thiên cho rằng Việt Nam hiện nay thiếu vai vế cạnh tranh có tầm cỡ quốc tế, đây là cơ hội để thiết kế, định hình lại doanh nghiệp. Những tập đoàn tư nhân lớn có thể hình thành theo chuỗi và trở thành trụ cột phát triển của quốc gia.

"Đó là chưa kể thời điểm này nếu không xúc tiến gấp, có lẽ doanh nghiệp Việt rất khó để đứng dậy sau dịch bởi lẽ thực trạng chung của doanh nghiệp hiện nay vẫn vô cùng khó khăn. 

M&A phát triển mạnh có thể tạo năng lượng lan tỏa, kéo các doanh nghiệp đang yếu đứng dậy. Có lẽ phải tạo áp lực để Chính phủ đưa ra cải cách, cải tiến về chính sách, cơ chế, hỗ trợ nguồn lực, thúc đẩy điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Vài năm nữa là thời điểm vàng cho các đội tuyển Việt Nam lớn mạnh".


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Nguyên Ngọc

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.