|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

7 tỉnh góp hơn nửa GDP cả nước

10:36 | 05/11/2016
Chia sẻ
Bảy tỉnh thành trọng điểm hiện đang tạo ra 53% GDP, nộp ngân sách 71%. Đầu tư cho các địa phương phát triển hay các địa phương khó khăn là trọng tâm tranh luận của các đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế thời gian qua.
7 tinh gop hon nua gdp ca nuoc
7 tỉnh phát triển đang chiếm 53% GDP cả nước. Ảnh: Tạp chí Tài chính.

Đầu tư địa phương phát triển hay khó khăn

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng trong một phát biểu trước nghị trường đã dẫn ra thảo luận chính sách: Đầu tư cho vùng phát triển hay đầu tư cho vùng khó khăn?

Đưa ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, đoàn Trà Vinh, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lấy ví dụ, 7 địa phương gồm Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng và hai tỉnh là Bình Dương và Đồng Nai hiện tạo ra 53% GDP, 71% thu ngân sách và 50% xuất khẩu. Tuy nhiên, các địa phương này chỉ chiếm có 5,5% diện tích cả nước, 27% dân số, 24% lao động.

"Vì sao lại như vậy? Vì năng suất lao động ở 7 địa phương này bằng 3,3 lần năng suất lao động của các tỉnh còn lại", đại biểu Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, cần một chính sách thích đáng để tạo trung tâm động lực phát triển, từ đó đóng góp ngân sách ngày càng nhiều hơn. Và đặc biệt là quản lý các địa phương này phải mang tính quản lý đô thị, không phải quản lý nông thôn.

Đồng ý với quan điểm của ông Nhân, đại biểu Cao Đình Thưởng, đoàn Phú Thọ cho rằng, hiện nay quy hoạch đang “trăm hoa đua nở”, thiếu tính liên thông liên kết. Do đó, “Phải quy hoạch tổng thể trên phạm vi cả nước, không nên để mỗi địa phương, mỗi tỉnh tự quy hoạch”, ông nói.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn đoàn Đà Nẵng đồng tình và đưa ra ví dụ, hiện nay, 63 tỉnh, thành với 245 bến cảng thuộc 29 cảng biển, 21 sân bay, trong đó có tới 10 sân bay quốc tế, gần như tỉnh nào cũng có hoặc đều muốn có sân bay, cảng biển. Ví dụ này dẫn chứng cho quan điểm đầu tư dàn trải, không có trọng điểm khiến lợi ích tổng thể ở cấp độ quốc gia giảm sút. Các vùng kinh tế trọng điểm chưa phát huy được vai trò đầu tàu, hiệu quả đầu tư chưa vượt trội.

Hiện nay, các địa phương đang chạy đua thành tích, mạnh ai nấy làm, ông Sơn nhận xét. Theo ông, cần có một cơ chế chính sách đặc thù để vùng có lợi thế là đầu tàu kéo nền kinh tế phát triển và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng.

Cần động lực cho liên kết vùng

Trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình Việt Nam bên lề Quốc hội, các chuyên đưa ra bình luận về liên kết vùng. Chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn nêu rõ, cùng một dự án, trình ở tỉnh này có bị từ chối, sang tỉnh khác lại được tiếp nhận. Các địa phương từ những đòi hỏi khác nhau, chính sách và cơ chế khuyến khích khác nhau giải thích cho tình trạng mạnh ai nấy làm.

Theo ông Tuấn, như vậy rất ảnh hưởng đến lợi ích tổng thể và tầm nhìn quốc gia. “Cần liên thông về nhận giữa nhận thức đúng đắn về tầm nhìn quốc gia và chiến lược cụ thể của từng địa phương gắn với liên kết vùng”, vị chuyên gia nói.

Tuy nhiên, điều các chuyên gia băn khoăn nhất để tạo liên kết vùng hiệu quả là động lực. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng hệ thống động lực hiện nay mới chỉ có ở cấp tỉnh, như ngân sách tỉnh, hệ thống đánh giá cho từng tỉnh... Do đó, Việt Nam cần phải có các chỉ số đánh giá không chỉ theo tỉnh mà phải gắn với liên kết vùng và tác động của liên kết vùng đến từng địa phương trong vùng. Theo đó, qua thời gian sẽ thấy được lợi ích của liên kết vùng.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành cho rằng cần giải quyết nút thắt về thể chế là tạo ra một mục tiêu rõ ràng hơn để các địa phương có động lực thực hiện liên kết vùng như lập một hệ thống cảng biển, điều phối tất cả các hoạt động đầu tư cảng biển. Tương tự, các chương trình phát triển sân bay, đường cao tốc, đường vành đai trong thành phố kể cả những dự án hợp tác công tư PPP cũng có thể hình thành trên cơ sở hợp tác vùng.

“Chỉ có thực hiện giải pháp đột phá mới có thể tạo được liên kết vùng hiệu quả”, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành nói.

Thái Hoàng