|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

7 lời khuyên để trở thành một người tiêu dùng có ý thức

09:31 | 12/10/2019
Chia sẻ
Tính bền vững trong phát triển, các điều kiện sống, chính trị và các vấn đề phổ biến khác đã khiến nhiều người tiêu dùng tự hỏi làm thế nào để vừa mua sắm vừa sống "xanh" và có trách nhiệm với xã hội.

Mua sắm có đạo đức bắt đầu từ việc rèn luyện ý thức và sử dụng các sản phẩm phù hợp với bản thân và cộng đồng. Trang Nerdwallet đã chỉ ra 7 điều bạn có thể làm để trở thành một người tiêu dùng có trách nhiệm hơn.

1. Kiểm tra mức độ tin cậy 

Các nhãn hiệu được cấp mã chứng nhận về thương mại là những nhà cung ứng sản phẩm đã trải qua quy trình kiểm soát có thẩm quyền. Tuy nhiên, mỗi tiêu chuẩn có thể khác nhau rất nhiều.

Không có chứng nhận không có nghĩa là những sản phẩm đó vô tác dụng, chỉ là giá trị của chúng đã giảm. Hầu hết người tiêu dùng đều không có đủ thông tin để biết liệu các chứng nhận về thương mại, chứng nhận sản phẩm hữu cơ hay các xếp hạng khác có đủ đảm bảo hay không.

Nhìn chung, càng nhiều con dấu hoặc chứng nhận sản phẩm thì càng tốt. Tuy nhiên nếu vẫn nghi ngờ, người tiêu dùng có thể tham khảo các tổ chức trung lập để được hướng dẫn.

2. Mua sắm ít hơn 

Trước khi mua một cái gì đó, hãy suy nghĩ về việc bạn thực sự cần nó hay không. Nếu có, hãy tìm kiếm và cân nhắc các lựa chọn có ít tác động hơn như các mặt hàng tái sử dụng với chất lượng cao hoặc dễ sửa chữa.

3. Tìm hàng cũ 

Khi bạn chọn các mặt hàng thuộc sở hữu trước đó, bạn sẽ không góp phần gia tăng việc tiêu tốn lao động và nguyên liệu cần thiết để tạo ra sản phẩm mới. Hãy ghé qua các cửa hàng đồ cũ, cửa hàng bán hàng dư kho (outlet) để tìm thấy giá rẻ cho các sản phẩm tiêu dùng.

4. Chọn giao hàng chậm 

Các nhà bán lẻ như Amazon gần như đều mặc định lựa chọn vận chuyển nhanh, nhưng nó không phải lúc nào cũng là lựa chọn "xanh" nhất. Khi mua sắm trực tuyến, việc chọn vận chuyển hàng tiêu chuẩn so với giao hàng siêu tốc có thể đảm bảo nhiều mặt hàng được giao cùng nhau.

Đối với môi trường, điều này sẽ giảm việc đóng gói, tăng năng suất và hạn chế số lượng rác thải. Đối với khách hàng, chỉ là ít hộp hơn mà bạn cần bỏ vào thùng tái chế mà thôi.

5. Mua sắm gần nhà 

Ghé thăm tiệm bánh gần nhà hoặc một chợ nông sản địa phương sẽ vừa hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương đồng thời sẽ tốt hơn cho môi trường vì nó làm giảm quãng đường và khối lượng vận chuyển các sản phẩm. Điều này cũng giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận trực tiếp với người bán để hiểu chi tiết về sản phẩm hơn.

6. Chọn một tổ chức tài chính có trách nhiệm 

Bạn có thể tìm kiếm một ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng có các cam kết hoặc chương trình hành động vì các giá trị xã hội và môi trường. Các tổ chức này sẽ giúp người tiêu dùng tiếp cận được các khoản vay cho dự án hoặc mục đích tiêu dùng xanh.

Ngoài ra, một số thẻ cũng được phát hành với mục đích quyên góp phí cho các hoạt động bảo tồn thiên nhiên hoặc được khuyến mại khi tiêu dùng các sản phẩm xanh trên mỗi lần mua.

7. Hình thành thói quen 

Bạn có thể giảm chất thải bằng cách giữ túi mua sắm tái sử dụng hoặc dùng giấy báo, làn đi chợ để đựng đồ. Phát triển những thói quen tích cực dù nhỏ như thế sẽ giúp bạn trở thành người mua sắm có đạo đức và có trách nhiệm với môi trường và xã hội hơn.

Ngọc Huyền