|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

7 điều nên 'xuống cấp' ngay để tiết kiệm hàng chục triệu đồng

10:39 | 09/03/2019
Chia sẻ
Nếu bạn đang không hiểu vì sao tiền lương mỗi tháng cứ bốc hơi trong tích tắc thì đây chính là 7 thứ cần "xuống cấp" ngay lập tức để tiết kiệm hàng chục triệu đồng.

Theo Wisebread, khi nói đến thuật ngữ "xuống cấp", nhiều người thường nghĩ đến những giao dịch giá trị lớn như bán một ngôi nhà to để chuyển về căn nhà nhỏ hơn. Nhưng "xuống cấp" không chỉ dành cho nhà ở. Hãy nhìn xung quanh bạn. Điều gì đang tiêu tốn quá nhiều thời gian, tiền bạc, không gian hay năng lượng của bạn? 

Trong thời đại mà mọi người đều chỉ muốn "nâng cấp" thì "xuống cấp" lại chính là chìa khóa cho một cuộc sống trọn vẹn hơn. Dưới đây là bảy điều bạn nên "xuống cấp" ngay hôm nay.

7 điều nên xuống cấp ngay để tiết kiệm hàng chục triệu đồng - Ảnh 1.

Nguồn: Wisebread

1. Xe cộ

Các nhà quảng cáo đã làm việc chăm chỉ để thuyết phục chúng ta rằng những gì chúng ta lái trên đường cho mọi người biết chúng ta là ai. Mánh khóe tiếp thị đó đã khiến nhiều người dốc sạch sổ tiết kiệm, món tiền vất vả mới có được (rốt cuộc, ai muốn lái một chiếc xe Wave cũ kĩ tới buổi tụ tập nào đó?).

Đừng quá tin vào điều đó mà hãy nắm lấy sự thật mang tính cách mạng này: phương tiện giao thông là công cụ đơn giản để đưa chúng ta từ Điểm A đến Điểm B. Giải phóng bản thân khỏi các khoản vay mà bạn không đủ khả năng và bảo hiểm chi trả cho ngân hàng hoặc chủ nợ và chọn một mẫu xe máy hoặc ô tô có giá thành phù hợp nhất, tiết kiệm nhiên liệu nhất mới là ý kiến khôn ngoan. 

2. Tủ quần áo

Nếu nam giới có niềm đam mê với xe cộ và phương tiện thì phụ nữ lại có tình yêu bẩm sinh với thời trang và phụ kiện. Nếu tủ quần áo của bạn đang phình to dần theo tháng, theo tuần thì có lẽ đã đến lúc "xuống cấp".

Hãy cân nhắc việc quyên góp những món đồ bạn không mặc tới cho các tổ chức từ thiện cho người nghèo, cho trẻ em vùng cao hoặc một trung tâm hỗ trợ cộng đồng địa phương. Bạn cũng có thể bán quần áo, giày dép và phụ kiện cho một cửa hàng ký gửi trực tuyến hoặc tự mình đăng bán trên các chợ rao vặt, mạng xã hội để kiếm thêm một số tiền.

3. Hóa đơn truyền hình cáp và điện thoại di động

Khi chúng ta đã đăng ký gói điện thoại di động và gói truyền hình cáp, chúng ta hiếm khi đưa ra đánh giá lại về tầm quan trọng của nó. Sự không quan tâm đó có nghĩa là chúng ta có thể bỏ lỡ các lựa chọn tiết kiệm hơn, phù hợp hơn với lối sống của mình hoặc các ưu đãi đặc biệt cung cấp cùng một mức dịch vụ với chi phí thấp hơn. Dành 30 phút để xem liệu bạn có thể giới hạn lại gói truyền hình cáp và điện thoại di động hay không và tiết kiệm được các chi phí đi kèm với chúng.

4. Dịch vụ đăng ký

Từ pho mát cho người sành ăn đến đồ dùng làm đẹp, dịch vụ đăng ký đưa thế giới đến ngưỡng cửa mỗi gia đình. Nhưng tất cả sự tiện lợi đó đều có giá của nó.

Hãy nhìn kỹ vào bảng sao kê ngân hàng và thói quen chi tiêu của bạn. Có phải nhiều dịch vụ đăng ký đã làm ngân sách của bạn cạn kiệt? Mỗi khi nhận được email thông báo về một mẫu thời trang mới ra hay một chiếc điện thoại thời thượng nào đó, bạn không thể trì hoãn việc mua nó ngay lập tức? Nếu câu trả lời là "có", hãy giảm bớt các dịch vụ đăng kí nhận tin báo hoặc hủy bỏ hoàn toàn dịch vụ này.

5. Chi tiêu

Đừng nghĩ rằng mình chỉ cần giới hạn lại chi tiêu trong một hoặc hai tháng. Khi bạn thu hẹp chi tiêu của mình, bạn phải xác định hướng đi lâu dài, giảm thiểu chi tiêu. Đó là một sự thay đổi về tinh thần và hành vi! Đó là bước đầu tiên để sống tiết kiệm hơn. Hãy tìm các cách để giảm 10% chi tiêu hàng tháng và sau đó sử dụng số tiền đó để trả nợ hoặc tăng khoản tiết kiệm phòng trường hợp khẩn cấp.

6. Nợ

Khi bạn đã giảm chi tiêu, hãy tấn công con quái vật ba đầu mà nó tạo ra - nợ nần. Mặc dù  trả hết nợ với lãi suất cao nhất trước tiên có vẻ là ý tưởng hoàn hảo, nhiều người cảm thấy việc trả nợ dần dần thành công và hợp lí hơn. Theo cách tiếp cận này, bạn trả hết khoản nợ nhỏ nhất trước tiên (bất kể lãi suất) để có được động lực thúc đẩy gắn bó với kế hoạch giới hạn chi tiêu cho đến khi mọi thứ được trả hết.

7. Lịch trình và cam kết

Bạn có thể sẽ ngạc nhiên về yếu tố cuối cùng này nhưng bạn có nhận thấy mình đang quá dễ dãi với lịch trình và công việc, hay một cam kết giúp đỡ ai đó? Dứt khoát nói "không" khi bạn không có đủ thời gian làm việc thêm giờ, sẵn sàng giới hạn lại khoản trợ cấp cho người thân gia đình nếu ngân sách của bạn đang có vấn đề không phải là một sự phũ phàng mà là sự quan tâm cho chính bạn về lâu dài.

Hãy nhớ rằng, thời gian của bạn là một nguồn tài nguyên hiếm có. Nếu bạn liên tục di chuyển và luôn căng thẳng, hãy giới hạn lại lịch trình của bạn. Cuộc sống rất ngắn ngủi nên hãy tận hưởng nó với những niềm vui bình dị và dễ chịu nhất. 

7 mẹo tiết kiệm tiền khi du lịch giúp bạn có kì nghỉ thoải mái7 mẹo tiết kiệm tiền khi du lịch giúp bạn có kì nghỉ thoải mái 8 mẹo tiết kiệm chi tiêu cho gia đình có ngân sách eo hẹp8 mẹo tiết kiệm chi tiêu cho gia đình có ngân sách eo hẹp 7 mẹo nhỏ giúp tiết kiệm hàng trăm nghìn tiền nước hàng tháng7 mẹo nhỏ giúp tiết kiệm hàng trăm nghìn tiền nước hàng tháng

Thu Phương