|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

5 thói quen chi tiêu tưởng chừng vô hại nhưng lại khiến bạn ngập trong nợ nần

06:52 | 15/10/2019
Chia sẻ
Có những thói quen chi tiêu tưởng chừng vô hại nhưng lại khiến bạn ngập trong nợ nần và không thể trở nên giàu có.

Rất nhiều người trong chúng ta rời ghế nhà trường với lí tưởng và khát khao trở nên giàu có. Rốt cuộc, ai lại không mong muốn tất cả các nhu cầu tài chính của mình được thỏa mãn trong khi các thú vui cá nhân cũng được thực hiện nhanh chóng?

Tin tốt là bạn hoàn toàn có thể thực hiện một số giải pháp đơn giản để đơn giản hóa việc xây dựng tài sản của mình. Tuy nhiên, có những thói quen tưởng chừng đơn giản lại cản trở bạn rất nhiều.

Vì vậy, nếu bạn đang hi vọng tiến tới sự giàu có, tạp chí Forbes đã chỉ ra một số sai lầm có thể gây khó khăn tài chính hơn so với những gì bạn nghĩ.

1. Chi tiêu quá nhiều cho một số mặt hàng

Qua mọi phương tiện truyền thông hay các tạp chí tài chính, bạn hẳn đã biết rằng không nên chi tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được. Tuy nhiên, những thứ bạn đang chi tiêu là gì? Bạn có thực sự nghiêm túc về việc không bao giờ chi tiêu cho những thứ bạn không cần?

Đôi khi, chi tiêu giá trị hay không dựa trên hệ tư tưởng và sở thích của bạn. Bạn sẵn sàng vung tiền cho những thứ bạn không cần, miễn là bạn thích chúng và chúng nằm trong khả năng tài chính của bạn.

Hãy thử lùi một bước và xem xét các mục tiêu tài chính hiện tại của bạn. Cách chi tiêu của bạn có giúp bạn đạt được những mục tiêu đó? Cuộc sống của bạn có trở nên phong phú hơn nhờ khoản tiền đã bỏ ra hay gia đình bạn có được hỗ trợ? 

Dù bạn có thể không vượt quá thu nhập nhưng một số khoản chi tiêu không hướng đến những điều bạn coi trọng có thể chính là yếu tố kìm hãm bạn trên con đường làm giàu.

960x0 (2)

Túng thiếu hay nợ nần phần lớn bắt nguồn từ chính bản thân bạn. Ảnh: Forbes

2. Không có kế hoạch mở quĩ khẩn cấp

Mọi trường hợp khẩn cấp có thể xảy ra và bạn cần phải chuẩn bị cho chúng. Nhưng bạn đã có một số tiền dành riêng cho việc đó chưa? Bạn đã biết cách mở quỹ tiết kiệm sao cho hiệu quả? Và số tiền tiết kiệm của bạn đã đủ hay chưa?

Có nhiều chiến lược để bạn áp dụng nhằm tăng khoản tiết kiệm khẩn cấp của mình, tùy thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro của bạn. Bạn càng chuẩn bị kĩ càng, bạn càng biết cách sử dụng khoản tiết kiệm khẩn cấp như một nguồn tạo thu nhập thụ động.

Hãy đưa một phần tiền tiết kiệm khẩn cấp vào tài khoản đầu tư chịu thuế để có cơ hội kiếm được tiền lãi cao hơn cũng như giảm khả năng khấu trừ thuế nếu bạn thua lỗ.

3. Không có bảo hiểm phù hợp

Bảo hiểm không phải là một khái niệm dễ chịu với nhiều người, đặc biệt ở Việt Nam nhưng bạn có thể ngạc nhiên về tầm quan trọng của bảo hiểm trên con đường làm giàu và cả cuộc đời của bạn.

Ý nghĩa của bảo hiểm là bảo vệ tài sản của bạn khi thảm họa nào đó diễn ra như xe ô tô hư hỏng nặng, thiên tai, ai đó đau bệnh và bạn bất ngờ phải thanh toán các hóa đơn khổng lồ.

Nếu bạn không được bảo hiểm đầy đủ, bạn phải tự mình trang trải mọi chi phí và điều đó chắc chắn gây ảnh hưởng xấu đến tài chính của bạn, đôi khi, khiến bạn phá sản.

Và tất nhiên, chúng ta có thể quên một trong những chính sách bảo hiểm quan trọng nhất - bảo hiểm nhân thọ. Bảo hiểm nhân thọ có thể đảm bảo tương lai tài chính an toàn cho gia đình bạn nếu bạn qua đời trước họ.

4. Đầu tư không phù hợp

Hãy xem xét cẩn thận cách phân bổ tài sản và thực hiện những điều chỉnh dựa trên tình huống và mục tiêu của bạn. Có thể bạn cần chuyển danh mục đầu tư tập trung vào tăng trưởng hoặc bạn đã đạt được con số mơ ước và muốn giảm rủi ro bằng cách chuyển phần lớn hơn trong danh mục sang thu nhập cố định.

Một khía cạnh khác của đầu tư thích hợp là đảm bảo rằng bạn thực sự có đủ tiền để hoàn thành các mục tiêu tài chính của mình. Nếu bạn bắt đầu đầu tư ở tuổi 35 và chỉ dành 200 USD/ tháng vào đó, rất có thể bạn sẽ không thể làm giàu trừ khi một kì tích may mắn xảy ra.

Có rất nhiều ứng dụng trực tuyến giúp bạn ước tính mức hoàn vốn hợp lí và tận dụng một số tiền đầu tư mỗi tháng sao cho phù hợp.

Một kế hoạch đầu tư tốt có thể giúp bạn duy trì kế hoạch làm giàu bất chấp tình trạng hỗn loạn của thị trường chứng khoán. Cùng với đó, một chiến lược tốt để cân bằng thời điểm mua vào và bán ra cũng là điều cần cân nhắc.

5. Từ chối xin giúp đỡ khi cần thiết

Tất cả chúng ta đôi khi cần đến sự giúp đỡ về tài chính và dù bạn tin hay không, từ chối được giúp đỡ khi cần có thể là một sai lầm cản trở bạn trở nên giàu có.

Đôi khi, đó có thể là ủng hộ từ bạn bè và gia đình trong thời gian khó khăn hay khoản trợ cấp thất nghiệp giúp giảm số tiền bạn phải lấy từ quỹ khẩn cấp.

Thu Phương