5 mẹo tiết kiệm chi phí khi hoãn cưới mùa COVID-19
Đối với các cặp đôi đang phải đối mặt với nguy cơ hoãn cưới hay đã gặp phải sự cố đáng tiếc này do tình hình dịch COVID-19, chi phí tổ chức có thể là vấn đề lớn cần phải cân nhắc. Nhưng đừng quá lo lắng, các chuyên gia tài chính cá nhân của Wall Street Journal đã đưa ra 5 lời khuyên khá bổ ích.
Kiểm tra hợp đồng và thương lượng với các bên cung cấp dịch vụ
Nhiều công ty tổ chức tiệc cưới chuyên nghiệp cũng như các đơn vị cho thuê địa điểm luôn luôn có hợp đồng chi tiết với khách hàng. Nếu bạn đã kí hợp đồng, đừng ngại gọi cho nhà cung cấp dịch vụ để trao đổi thêm các điều kiện hủy cưới, hoãn lại và các chính sách liên quan.
Nếu bạn sử dụng một dịch vụ địa phương nhỏ lẻ không có hợp đồng, cố gắng thương lượng với nhà cung cấp để giảm thiểu tối đa chi phí. Trong mùa dịch khó khăn, tinh thần thương lượng cởi mở, bảo đảm cân bằng lợi ích hai bên sẽ luôn được hoan nghênh.
Sau đó, đừng bỏ qua các hợp đồng dịch vụ nhỏ lẻ khác như chụp ảnh, tiệc cưới, trang phục - trang điểm, hoa cưới... để sắp xếp lại lịch trình chu đáo.
Lập danh sách và kiểm soát các chi phí phát sinh
Marsha Barnes, nhà sáng lập của The Finance Bar, chia sẻ: "Khi các nhà cung cấp nhận yêu cầu đổi lịch, họ có thể đã chi tiền cho các bên cung ứng thứ ba và vẫn sẽ yêu cầu khách hàng phải thanh toán đầy đủ hợp đồng ban đầu".
"Ngoài ra, một số nhà cung cấp thậm chí phải tăng giá do các biện pháp an toàn phòng chống dịch", bà Barnes nói thêm.
Nếu nhà cung cấp của bạn không sẵn sàng tổ chức sự kiện theo lịch mới, bạn có thể sẽ mất khoản tiền đặt cọc cũng như chi phí cho các nhà cung cấp mới. Sarah Miller, một người tổ chức đám cưới chuyên nghiệp từng xuất hiện trong chương trình "Mariage or Mortgage" trên Netflix cho biết số tiền chính xác phụ thuộc vào từng nhà cung cấp và chính sách đổi lịch của họ.
Do đó, các cặp đôi nên nhanh chóng lập danh sách các chi phí phát sinh, các chi phí đã mất để kiểm soát tình hình và áp dụng lời khuyên đầu tiên càng sớm càng tốt.
Đừng quá mong đợi sẽ được hoàn lại tiền
Bà Miller nhận xét: "Với khách hàng, việc phải trả toàn bộ hay một phần chi phí cho gói dịch vụ không được sử dụng là trải nghiệm rất khó chịu nhưng nếu tất cả các nhà cung cấp đều phải hoàn lại tiền cọc, nhiều công ty sẽ ngừng hoạt động. Thay vì hủy lịch, lựa chọn phương án hoãn lại sẽ là cách tốt nhất bởi về lâu dài, bạn sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí".
Trong tình huống phức tạp, hãy đưa ra quyết định sớm nhất có thể
Một số cặp đôi hẳn đang lúng túng trước tình hình dịch hiện nay và băn khoăn về việc có nên hoãn cưới hay không. Dù bạn có thể muốn tổ chức hôn lễ càng sớm càng tốt, quyết định hoãn lại kịp thời có thể tiết kiệm một khoản tiền kha khá.
Bà Barnes nói: "Tôi luôn khuyến khích các cặp vợ chồng hoãn đám cưới hoặc sự kiện kỉ niệm thêm một thời gian nữa hoặc ít nhất là cho đến khi thành phố hoặc khu vực bạn sống đã ổn định trong vòng 2 tháng. Nếu hoãn lịch nhiều lần, bạn phải trả thêm chi phí".
Dù một số đơn vị hiện nay cho phép các cặp đôi thanh toán số tiền còn lại sau khi sự kiện hoàn tất hầu hết các công ty, nhà hàng vẫn muốn nhận khoản thanh toán này khoảng 1 tuần đến 1 tháng trước ngày cưới. Vì thế, hãy nhanh chóng đưa ra quyết định hoãn hoặc hủy.
Tận dụng thời gian hoãn cưới để lập kế hoạch mới tốt hơn
Lauren Kay, biên tập viên điều hành của The Knot, cho rằng đại dịch đã tạo cơ hội cho nhiều cặp vợ chồng phá bỏ các quy tắc truyền thống rườm rà cho hôn lễ.
Một số cặp vợ chồng đang tiết kiệm chi phí bằng cách lên lịch cho các buổi tiệc chiêu đãi nhỏ trong tuần trong khi nhiều người khác tuyên bố chỉ báo hỉ và tổ chức tiệc với gia đình. Lauren cũng gợi ý rằng thay vì nhìn nhận sự cố này một cách tiêu cực, các cặp đôi nên tận dụng khoảng thời gian chờ đợi để thực sự hiểu bản thân, mối quan hệ họ đang có và những gì tốt nhất cho cả hai.