5 dự án cầu liên kết giao thương 5 tỉnh thành Đông Nam Bộ, đáng chú ý có cầu 7.200 tỷ đồng
Cầu Mã Đà nối Bình Phước, Đồng Nai
Ngày 20/3, trong buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, UBND Bình Phước đã kiến nghị Chính phủ xem xét, phê duyệt dự án nâng cấp mở rộng đường ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà để kết nối Bình Phước với sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải.
Theo tính toán, cầu Mã Đà sẽ giúp kết nối các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải, rút ngắn 60 km so với đi đường hiện tại.
Cầu dự kiến rộng 11 m, dài 90 m, bắc qua sông cùng tên. Công trình này nằm trong dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường ĐT753 có chiều dài 30 km, quy mô cấp III, tổng mức đầu tư là 655 tỷ đồng, sử dụng ngân sách địa phương; được UBND Bình Phước phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 7/2021.
Sau khi thị sát khu vực sông Mã Đà nằm giữa Bình Phước và Đồng Nai, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần quy hoạch, triển khai các dự án ngắn nhất có thể, hiệu quả nhất, giải phóng mặt bằng ít nhất, ít ảnh hưởng tiêu cực nhất.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương làm việc với UBND Bình Phước và Đồng Nai, cũng như các cơ quan liên quan để thống nhất phương án đầu tư nâng cấp tuyến đường ĐT 753 và xây cầu Mã Đà.
Cầu Đò mới bắc qua sông Thị Tính
Trong khi đó, hồi đầu năm 2021, Bình Dương khởi công Cầu Đò mới bắc ngang sông Thị Tính với quy mô rộng tới 20 m, 4 làn xe cơ giới, dài hơn 165 m. Ngoài ra, còn có đường dốc cầu và đường nối vào cầu rộng 25 m.
Cầu có một đầu thuộc khu dân cư Cầu Đò và một đầu thuộc khu đất thuộc xã An Điền, thị xã Bến Cát; kết nối đường ĐT748 với quốc lộ 13. Cầu mới sẽ góp phần giảm tải cho các tuyến đường hiện hữu, tạo sự lưu thông thuận tiện từ tỉnh Tây Ninh và các huyện, thị phía bắc của tỉnh Bình Dương về phía nam của tỉnh (hướng về TP HCM). Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 213 tỷ đồng.
Cầu Bạch Đằng 2 nối Đồng Nai và Bình Dương
Dự án cầu Bạch Đằng 2 bắc qua sông Đồng Nai có tổng chiều dài 2,8 km với 4 làn xe, do Liên danh CIENCO4 và CTCP Xây dựng và đầu tư 492 thực hiện, khởi công cuối năm 2021, dự kiến hoàn thành năm 2023.
Cầu Bạch Đằng 2 bắc qua sông Đồng Nai được xây dựng tại xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Dự án cùng hai dường dẫn có tổng chiều dài hơn 2,8 km; trong đó, cầu dài khoảng 410 m, rộng 17 m, quy mô 4 làn xe.
Tổng mức đầu tư dự án là hơn 420 tỷ đồng từ vốn ngân sách tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai. Nguồn vốn thực hiện dự án được chia theo tỷ lệ mỗi địa phương đóng 50% với phần cầu chính, các tỉnh tự đầu tư xây dựng phần đường dẫn trên địa bàn.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, việc xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai sẽ tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Đồng thời, công trình sẽ hoàn thiện hệ thống giao thông liên tỉnh trong khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giúp kết nối giao thương các khu công nghiệp phía thị xã Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên của tỉnh Bình Dương với TP Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
Cầu Cát Lái nối TP HCM, Đồng Nai
Tháng 8/2019, Thủ tướng đã giao UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện dự án Xây dựng cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái trên cơ sở đề xuất của tỉnh Đồng Nai. Theo quy hoạch bổ sung của Thủ tướng vào năm 2017, cầu Cát Lái có điểm đầu tại phường Cát Lái - Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, và điểm cuối cách bến phà hiện hữu khoảng 1 km, thuộc xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch. Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng.
Đơn vị tư vấn đã đưa ra 5 phương án hướng tuyến xây dựng cầu Cát Lái để Đồng Nai và TP HCM xem xét lựa chọn.
Cụ thể, theo phương án 1, dự án Xây dựng cầu Cát Lái sẽ có điểm đầu tại cuối nút giao Mỹ Thủy nằm trên đường Nguyễn Thị Định. Tuyến đi trùng với đường Nguyễn Thị Định tới bến phà Cát Lái, vượt sông Đồng Nai sang phía huyện Nhơn Trạch. Sau khi sang phía Đồng Nai, tuyến đi trùng với đường trục quy hoạch, cắt qua đường quy hoạch 25C và kết nối với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại cuối dự án. Theo phương án này, tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 11,7 km.
Đối với phương án 2, điểm đầu dự án có vị trí tại đường ven sông Sài Gòn. Tuyến đi dọc theo trục đường quy hoạch của khu dân cư quy hoạch Thạnh Mỹ Lợi B và cắt qua đường Võ Chí Công tại cầu Kỳ Hà 3 và 4. Sau đó, tuyến đi dọc theo hành lang xanh của rạch Ngọn Ngay và vượt sông Đồng Nai sang huyện Nhơn Trạch. Sau khi sang phía Đồng Nai, tuyến đi qua khu vực đất nông nghiệp thuộc các xã Phú Hữu và Phú Đông, cắt qua đường quy hoạch 25C, kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành tại cuối dự án. Chiều dài tuyến theo phương án 2 là hơn 10,6 km.
Đối với phương án 3, điểm đầu tuyến nằm trên đường vành đai 2, cách cầu Ba Cua khoảng 300m. Tuyến đi thẳng vào khu vực cổng C của cảng Cát Lái và vượt sông Đồng Nai sang xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, sau đó rẽ phải đi trùng vào đường quy hoạch và kết nối với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại cuối dự án. Chiều dài tuyến theo phương án 3 là 12,4km.
Đối với 2 phương án 4 và 5, điểm đầu tuyến trên địa bàn TP HCM có sự thay đổi vị trí. Theo đó, đối với phương án 4, điểm đầu tuyến của dự án nằm trên đường trục Bắc - Nam, cách Rạch Đĩa khoảng 2,4km trên địa bàn huyện Nhà Bè và quận 7, TP HCM. Tuyến đi về phía Đông, vượt qua rạch Tắc Bà Phổ, cắt qua đường Nguyễn Lương Bằng, đường Huỳnh Tấn Phát rồi vượt sông Đồng Nai sang các xã Phú Hữu, Phú Đông (huyện Nhơn Trạch). Sau đó rẽ phải đi trùng vào đường quy hoạch và kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành tại cuối dự án. Theo phương án này, chiều dài tuyến là hơn 13,7 km.
Với phương án 5, điểm đầu tuyến nằm trên đường trục Bắc - Nam, cách Rạch Đĩa khoảng 4 km trên địa bàn huyện Nhà Bè và quận 7, TP HCM. Tuyến đi về phía Đông, đi theo trục đường quy hoạch Kho B, vượt qua rạch Phước Long, cắt qua đường Huỳnh Tấn Phát, đi qua Tổng kho xăng dầu Nhà Bè và vượt sông Đồng Nai sang các xã Phú Hữu, Phú Đông (huyện Nhơn Trạch). Sau đó rẽ phải đi trùng vào đường quy hoạch và kết nối với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại cuối dự án. Chiều dài tuyến của dự án gần 13km.
Đánh giá về thời điểm có thể khởi công dự án, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Bôn cho rằng, nếu 2 địa phương sớm thống nhất được phương án hướng tuyến thì dự án có thể triển khai xây dựng được vào cuối năm 2023.
Cầu Phước An nối Bà Rịa - Vũng Tàu với tỉnh Đồng Nai
Cầu Phước An nối Bà Rịa - Vũng Tàu với tỉnh Đồng Nai có tổng chiều dài là 4,3km, trong đó phần cầu vượt sông Thị Vải dài 3,5km; đường dẫn trên tuyến 248m, đường dẫn kết nối với đường xuống cảng Phước An dài khoảng 605 m và hoàn chỉnh phạm vi nút giao với đường vào cảng Phước An. Phần cầu dẫn có chiều rộng 23,5m, cầu chính rộng 27m. Tổng mức đầu tư là 4.879 tỷ đồng.
Đây là dự án có tính chất đặc biệt quan trọng, kết nối Nhóm cảng biển số 5 với khu vực miền Đông Nam bộ, Miền Tây Nam bộ qua hệ thống đường cao tốc trong khu vực (cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây). Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cầu Phước An góp phần rất lớn vào sự phát triến kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Hồi cuối năm 2021, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai về việc triển khai thực hiện dự án cầu Phước An. Theo đó, để có thể khởi công cầu Phước An vào quý III/2022, UBND tỉnh đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai xem xét và thống nhất với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện đầu tư xây dựng dự án cầu Phước An theo nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đã được Bộ GT VT thẩm định bằng nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn ngân sách tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cùng đó, UBND tỉnh đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, thành lập Ban chỉ đạo thực hiện dự án cầu Phước An để thuận tiện cho việc phối hợp, hỗ trợ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.