|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

5 bước xây dựng kế hoạch tài chính tốt nhất cho giới trẻ trong thời đại 4.0

08:20 | 10/01/2020
Chia sẻ
Trong thời kì 4.0, mọi ứng dụng và công cụ cũng không thể hỗ trợ bạn xây dựng kế hoạch tài chính hoàn hảo nếu thiếu tư duy.

Sẽ không bao giờ có một To-do List hoàn hảo, một nền tảng quản lí tài chính hay ứng dụng thanh toán nào làm thay được toàn bộ công việc cho bạn.

Điều này nghe có vẻ thật lạ lùng, đặc biệt với một người nghiện công nghệ và còn trẻ tuổi như chuyên gia Alexandra Samuel của Harvard Business Reviews (HBR).

Trong 15 năm qua, cô đã thử rất nhiều ứng dụng quản lí công việc như Todoist và Wunderlist, hàng chục nền tảng quản lí dự án như Asana và Basecamp, hàng trăm ứng dụng tài chính khác hứa hẹn sẽ tối ưu hóa thời gian của người dùng tốt, tăng cường kĩ năng tài chính hay thành công của một dự án.

Một số ứng dụng đủ xuất sắc để thuyết phục Samuel sử dụng trong nhiều năm hoặc khuyến khích người thân, bạn bè sử dụng. Dù vậy, cô cũng phát hiện ra rằng mỗi khi một dự án hay một kế hoạch tài chính kết thúc, cô cũng sẽ tìm kiếm một ứng dụng mới phù hợp hơn cho kế hoạch tiếp theo.

Samuel không phải người duy nhất làm như vậy. Trong một cuộc khảo sát năm 2019, trang web so sánh phần mềm GetApp thấy rằng 97% các nhà quản lí dự án sử dụng nhiều hơn một công cụ quản lí công việc. 

Và ngay cả danh sách gồm 272 trình quản lí tác vụ được đánh giá 4 sao trở lên cùng 777 ứng dụng quản lí dự án được đề xuất bởi các chuyên gia đầu ngành cũng rất khó thuyết phục người dùng cá nhân hay doanh nghiệp bởi mỗi tổ chức đều cảm thấy họ cần phát triển nền tảng quản lí dự án của riêng mình. (Đó là câu chuyện đằng sau Basecamp, Raft và Todoist.)

5 bước xây dựng kế hoạch tài chính điện tử tốt nhất cho người trẻ - Ảnh 1.

Sẽ không bao giờ có một To-do List hoàn hảo, một nền tảng quản lí tài chính hay ứng dụng thanh toán nào làm thay được con người. Ảnh: HBR

Một lí do cho sự không hài lòng này là mọi người luôn muốn được sắp xếp các mục tiêu và hành động tài chính cá nhân của mình theo nhiều cách khác nhau. Và thậm chí nếu bạn chọn phần mềm của riêng bạn, thiết lập các tính năng phục vụ bạn tốt nhất trong một kế hoạch tài chính hiện tại, nó vẫn có thể hoàn toàn không phù hợp cho việc tiếp theo. 

Giờ đây, thế hệ phần mềm quản lí tài chính mới đang ngày càng mở rộng tính năng tùy chỉnh để người dùng có thể tạo biểu đồ riêng mà không cần tới kĩ năng lập trình phức tạp. Một số ứng dụng cung cấp lời khuyên từ các chuyên gia tài chính hàng đầu và Samuel đã rất ngạc nhiên với những thông tin được hỗ trợ.

Khi quan sát các ứng dụng mới này, bạn sẽ cảm thấy đó là điểm khởi đầu hữu ích cho kế hoạch tài chính tương lai nhưng mọi công cụ đều không thể thay thế tư duy của bạn. Nếu bạn là một người trẻ đang gặp phải rắc rối với quá nhiều ứng dụng và sự bực bội kể trên, dưới đây là 5 nguyên tắc cần ghi nhớ.

Hiểu rõ các vấn đề bạn đang cố gắng giải quyết

Sự thất vọng của bạn với các công cụ đang sử dụng là những yếu tố cơ bản giúp bạn xác định được thứ hoàn hảo nhất cho mình nên hãy ghi lại chúng. Sau đó, đánh giá các nền tảng khác nhau dựa trên mức độ dễ sử dụng để giải quyết các vấn đề của bạn. 

Khởi đầu từ những việc nhỏ

Cách tốt nhất để xác định một công cụ tài chính có phù hợp với bạn hay không là bắt đầu sử dụng. Vì vậy, ngay cả khi bạn đang sở hữu một ứng dụng phức tạp có thể tự động hóa nhiều thông tin tài chính khác nhau, hãy bắt đầu với một thứ dễ dàng như danh sách các việc cần làm, các khoản tiền cần tiết kiệm. 

Tạo biểu đồ riêng cho các kế hoạch tài chính khác nhau

Một trong những niềm vui khi xây dựng kế hoạch tài chính của riêng bạn là không cần áp dụng duy nhất một bảng biểu cho mọi dự án. Tùy thuộc vào những gì bạn đang làm việc (và với ai), bạn có thể chỉ cần một danh sách tác vụ đơn giản và sổ ghi chép điện tử với một số chức năng tính toán được tích hợp. 

Tăng kĩ năng tích hợp

Sức mạnh thực sự của các ứng dụng tài chính DIY này nằm ở khả năng tự động hóa các đầu việc nhưng khả năng này cũng phụ thuộc vào mức độ bạn tích hợp chúng cùng các công cụ khác. 

Ví dụ, Samuel đã tích hợp ứng dụng tài chính Coda của mình với tài khoản Gmail để nhanh chóng và sẵn sàng kết hợp tất cả các thông tin về tiền chuyển khoản, hóa đơn cần thanh toán...

Lưu trữ lại các dữ liệu quan trọng

Bởi các công cụ đều là các hệ thống có thể gặp trục trặc (dù xác suất rất nhỏ), bạn nên thận trọng lưu lại các thông tin cần thiết. Mọi nhiệm vụ, ghi chép và lịch sử liên hệ không còn quá khó khăn để lưu lại như khi chúng ta phải sao chép thủ công.

Vì vậy, hãy đảm bảo có một giải pháp dự phòng để bảo vệ thông tin quý giá của bạn.

Trong một thế giới có quá nhiều công cụ và ứng dụng tài chính chìa khóa trao tay, nhiều người sẽ thấy dễ dàng và hiệu quả hơn khi chỉ sử dụng thứ gì đó độc lập và cá nhân, ngay cả khi kết quả không theo cách họ muốn. 

Tuy nhiên, đối với những ai quan tâm đến xây dựng giải pháp bền vững, công cụ không bao giờ đem lại kết quả tuyệt đối. Tư duy của bạn mới chính là thứ quan trọng nhất trong hành trình xây dựng nền tảng tài chính lâu dài.

Thu Phương