|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

4,2 triệu lao động nước ngoài tại Anh chờ tin về Brexit

12:04 | 22/02/2017
Chia sẻ
Gần tám tháng trôi qua kể từ khi người dân Anh bỏ phiếu chọn rời Liên minh châu Âu (EU), song hàng triệu người nhập cư vẫn chưa rõ liệu họ có được phép ở lại làm việc tại nước này hay không.
Ảnh minh họa: Shutterstock

Theo CNN, một trong những nguyên lý cốt lõi của EU là công dân các nước có thể di chuyển tự do. Song quyết định rời khối của Anh, hay Brexit, đang khiến nhiều người nước ngoài sống ở Anh rơi vào tình trạng lấp lửng.

Nhiều lời kêu gọi làm rõ vấn đề đang hướng về Thủ tướng Anh Theresa May. Giới lập pháp Anh đang cố gắng đính kèm bản sửa đổi pháp luật Brexit vốn sẽ yêu cầu chính phủ đảm bảo quyền lợi của công dân EU đang sống tại Anh.

Hôm 20.2, hàng ngàn người vừa tham gia vào chiến dịch mang tên “Một ngày không có chúng tôi” nhằm mục đích thu hút sự chú ý về đóng góp của những người di cư cho nước Anh. Những người ủng hộ đăng tải hình ảnh trên mạng xã hội, tổ chức biểu tình trên đường phố.

“Khi tôi sáu tuổi, một bác sĩ người nhập cư thực hiện ca mổ cứu đôi chân của tôi và một nhà vật lý trị liệu nhập cư giúp tôi đi lại được bình thường”, người dùng Twitter tên Leyla Williams viết. Chính phủ Anh ước tính có 3 triệu người đến từ các nước thuộc EU đang sống ở Anh. Một vài trong số họ làm việc trên các nông trại, công trường, một số khác thì là nhà nghiên cứu trong trường đại học, bác sĩ và y tá.

Một số doanh nghiệp Anh phụ thuộc vào lực lượng lao động nhập cư từ EU. Họ cảnh báo rằng lực lượng lao động trong nước đang cạn dần vì tương lai thiếu chắc chắn. Đến nay, nông dân và các nhà cung cấp thực phẩm là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Ước tính có khoảng 1,2 triệu người Anh sống ở các nước thuộc EU. Một vài trong số họ đã về hưu, ra nước ngoài sống vì thích có thời tiết ấm hơn, chi phí sinh hoạt rẻ hơn ở các nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.

Thủ tướng May nói rõ rằng việc giảm số lượng người nhập cư đến Anh là một trong các ưu tiên hàng đầu của bà. Dù vậy, bà cũng thể hiện thiện chí trong việc thực hiện thỏa thuận với châu Âu về vấn đề của những người nhập cư đang sống tại Anh. Điều này khó có thể được bàn tới trước khi các cuộc đàm phán Brexit chính thức giữa Anh và EU diễn ra.

Các cuộc đàm phán bắt đầu từ tuần sau sẽ cần gỡ rối nhiều thập niên hội nhập và trả lời các câu hỏi: Những người di cư còn lại quyền gì, giấy phép lao động trong tương lai được cấp như thế nào và bảo hiểm y tế, phúc lợi xã hội sẽ được chi trả ra sao?

“Nhập cư là vấn đề chính trị nóng và để đáp ứng mong muốn của cử tri, chính phủ có thể sẽ áp đặt một số hạn chế với người nhập cư EU. Vấn đề lớn nhất là dường như không ai biết được tình hình nhập cư sẽ ra sao một khi Anh rời khỏi EU”, luật sư về nhập cư Emma Brooksbank thuộc hãng Simpson Millar nói.

Thu Thảo