|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

40% điểm đến trên thế giới đã giảm những hạn chế du lịch, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp phụ thuộc

02:13 | 06/08/2020
Chia sẻ
Xu hướng bỏ dần những hạn chế du lịch quốc tế đang rõ nét hơn, đồng thời việc tái khởi động du lịch có trách nhiệm sẽ diễn ra theo hướng ưu tiên bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hỗ trợ các doanh nghiệp phụ thuộc vào ngành du lịch.
40% điểm đến thế giới đã giảm bớt những hạn chế du lịch, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp phụ thuộc - Ảnh 1.

Việc khởi động lại du lịch có trách nhiệm có thể được thực hiện theo cách ưu tiên bảo vệ sức khỏe cộng đồng (Ảnh: báo Đà Nẵng).

Theo thông tin từ Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), UNWTO đã liên tục theo dõi phản ứng của các điểm đến trên toàn cầu và ghi nhận mức độ giảm dần các hạn chế du lịch từ thời điểm ngày 15/5 tăng từ 3% lên 22% vào ngày 19/7 và đến ngày 30/7 đạt 40%. 

UNWTO cho rằng, xu hướng tuy chậm nhưng liên tục và đồng thời thể hiện tinh thần tái khởi động có trách nhiệm của ngành du lịch các quốc gia.

Trong số 87 điểm đến đã giảm bớt hạn chế di chuyển, chỉ 4 điểm đã hoàn toàn bỏ mọi hạn chế, trong khi 83 điểm đến vẫn giữ một số biện pháp như đóng cửa một phần biên giới. 

Báo cáo hạn chế du lịch UNWTO (UNWTO Travel Restrictions Report) cho thấy, 115 điểm đến (chiếm 53% trong số tất cả các điểm đến trên toàn thế giới) tiếp tục đóng cửa biên giới hoàn toàn cho hoạt động du lịch.

Cũng theo báo cáo của UNWTO, các điểm đến phụ thuộc cao hơn vào du lịch có nhiều khả năng sớm giảm bớt hạn chế du lịch. 

Trong số 87 điểm đến đã giảm bớt hạn chế, 20 điểm là các quốc đảo. Nhiều quốc gia trong số đó phụ thuộc vào du lịch như là một trụ cột trung tâm tạo ra việc làm, giúp tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Báo cáo cũng cho thấy, 41 trong số các điểm đến đã giảm bớt hạn chế du lịch quốc tế thuộc về khu vực châu Âu. Qua đó xác nhận vai trò hàng đầu trong việc tái khởi động du lịch có trách nhiệm trên toàn cầu. 

Đối với 115 điểm đến tiếp tục có biên giới hoàn toàn đóng cửa với du lịch quốc tế, báo cáo cho thấy phần lớn (88/115 điểm đến) đã hoàn toàn đóng cửa biên giới trong hơn 12 tuần qua.

Tổng Thư kí UNWTO, ông Zurab Pololikashvili nhận định, việc khởi động lại du lịch có trách nhiệm có thể được thực hiện theo cách ưu tiên bảo vệ sức khỏe cộng đồng đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp và những người mưu sinh phụ thuộc vào ngành du lịch.

Khi các điểm đến tiếp tục giảm bớt các hạn chế du lịch, vai trò của hợp tác quốc tế là rất quan trọng. Bằng cách này, ngành du lịch toàn cầu có thể khiến mọi người tin tưởng và tự tin, tạo ra những nền tảng thiết yếu giúp thích nghi với thực tế mới đang phải đối mặt.

UNWTO hi vọng du lịch quốc tế sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2021

Theo UNWTO World Tourism Barometer, việc đóng cửa biên giới, ban hành lệnh hạn chế và cấm đi lại để đối phó với đại dịch COVID-19 gần như làm đóng băng ngành du lịch trên toàn cầu.

40% điểm đến thế giới đã giảm bớt những hạn chế du lịch, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp phụ thuộc - Ảnh 2.

Các chuyên gia du lịch của tổ chức UNWTO hi vọng du lịch quốc tế sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2021 (Ảnh: Saigontourist).

Số lượng khách du lịch quốc tế tháng 5/2020 giảm 98% so với cùng kì năm 2019. Từ tháng 1 - 5/2020, lượng khách du lịch đã giảm hơn 50% so với 5 tháng đầu năm của năm 2019, tương đương với khoảng 300 triệu khách du lịch. 

Điều đó cũng dẫn đến doanh thu mất đi 320 tỉ USD, con số này nhiều hơn gấp ba lần tổn thất trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009.

Các chuyên gia du lịch của tổ chức UNWTO hi vọng du lịch quốc tế sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2021. 

Tuy nhiên, họ vẫn lo ngại về các lệnh hạn chế đi lại và đóng cửa biên giới tại nhiều quốc gia, sự bế tắc tiếp diễn tại các thị trường du lịch lớn như Mỹ và Trung Quốc, lo ngại về mức độ du lịch an toàn, làn sóng virus mới,... 

Hơn nữa, mối quan tâm về việc thiếu thông tin đáng tin cậy và môi trường kinh tế xấu đi được cho là các nhân tố có thể làm giảm niềm tin của khách du lịch toàn cầu.

Minh Hằng

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.