|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Số người chết trong vụ nổ ở Beirut tăng lên 100, nguy cơ chính phủ Lebanon sụp đổ cũng tăng

21:51 | 05/08/2020
Chia sẻ
100 người chết và hàng nghìn người bị thương trong vụ nổ lớn tàn phá khu cảng ở thủ đô Beirut của Lebanon hôm 4/8, đồng thời đẩy nhanh hơn sự sụp đổ của chính phủ nước này.
Nổ lớn ở Beirut, 100 người chết, nguy cơ sụp đổ nền chính trị Libanon - Ảnh 1.

Vụ nổ kinh hoàng xảy ra tại cảng hàng của thủ đô Beirut. (Ảnh: CNBC).

Theo CNBC, người dân Beirut đã rất sốc và cảm thấy vẫn còn kinh hoàng sau vụ nổ lớn tại cảng thủ đô Beirut, giết ít nhất 100 người và làm bị thương hơn 4.000 người. Hiện các bệnh viện quá tải vì số lượng người cần cứu chữa rất lớn.

Giới chức xác định nguyên nhân vụ nổ đã phá hủy tài sản trong bán kinh vài dặm là 2.750 tấn ammonium nitrate lưu trữ trong một kho chứa tại cảng Beirut.

Chính phủ thông báo họ sẽ điều tra trong vòng 5 ngày nguyên nhân chính xác của vụ nổ và những người chịu trách nhiệm. 

Thủ tướng Lebanon, ông Hassan Diab, cho biết, một khối lượng hóa chất nổ lớn đã hiện diện trong 6 năm tại một nhà kho mà không có bất kì biện pháp phòng ngừa nào. Đó chính là nguyên nhân kích lửa các hóa chất dễ bay hơi khác.

Ammonium nitrate là nguyên liệu sản xuất phân bón, nhưng cũng là một thành phần trong việc tạo ra chất nổ. Hóa chất này được sử dụng trong vụ đánh bom năm 1995 của tòa nhà liên bang ở thành phố Oklahoma, khiến 168 người thiệt mạng. Ammonium nitrate cũng có thể bốc cháy khi gặp một đám cháy dữ dội tại cảng Beirut, tạo ra vụ nổ kinh hoàng.

Vụ nổ xảy ra giống như ngày tận thế

Các đoạn phim và video địa phương trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông cho thấy số lượng người bị thương rất lớn. Các nhân viên y tế đã phải điều trị bệnh nhân tại các bãi đậu xe vì số lượng thương vong vượt quá công suất của bệnh viện. Và còn rất nhiều nạn nhân nữa vẫn đang mất tích.

Nổ lớn ở Beirut, 100 người chết, nguy cơ sụp đổ nền chính trị Libanon - Ảnh 2.

Khói bốc lên từ nơi xảy ra vụ nổ ở Beirut, Lebanon ngày 4/8. (Ảnh: CNBC).

Một người dân thuật lại khoảnh khắc kinh hoàng với CNBC: "Đó thật sự là ngày tận thế. Không từ nào có thể mô tả cảnh tượng lúc ấy…Tất cả mọi người tôi thấy người đều đầy máu, từ đầu, đến tay. Mọi người la hét trong tuyệt vọng ... Tôi vẫn còn cảm thấy sốc”.

Khủng hoảng sẽ đẩy nhanh sự sụp đổ của chính phủ

Theo các nhà phân tích của Eurasia Group, cuộc khủng hoảng về tình trạng vô gia cư, hệ thống y tế quá tải và các tài sản doanh nghiệp bị phá hủy lần này trong một nền kinh tế bị tê liệt như Lebanon càng đẩy nhanh sự sụp đổ của chính phủ Lebanon.

“Sự tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của chính phủ đang giảm dần và phần lớn người dân không còn tin rằng chính phủ nước này có thể quản lí thêm gì được nữa”, người cố vấn cho biết. “Theo quan điểm của chúng tôi, vụ nổ lần này sẽ đẩy nhanh sự sụp đổ của Lebanon”, người cố vấn cho biết thêm.

Mọi sự phục hồi diễn ra với Lebanon bây giờ cũng là khó khăn lớn, ông Rodger Shanahan, nhà nghiên cứu Trung Đông tại Viện nghiên cứu Lowy của Australia, nhận định.

Đây là thật sự là điều cuối cùng mà một quốc gia như Lebanon cần làm ngay bây giờ. Bất cứ nước nào cũng sẽ gặp khó khăn, nhưng với Lebanon, đất nước này lại đang phải rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất. 

Tất cả những gì người dân thấy là một chính phủ yếu kém, chểnh mảng trong quản trị đất nước. Thực trạng ấy càng khiến người dân Lebanon hiểu rằng chính phủ đang không hề quản lí đúng cách.

Khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng

Vụ nổ tại cảng Beirut đã làm quay cuồng và làm căng thẳng hơn nền chính trị trong nước cũng như trong khu vực.

Nổ lớn ở Beirut, 100 người chết, nguy cơ sụp đổ nền chính trị Libanon - Ảnh 3.

Vị trí vụ nổ ở Beirut trên bản đồ. Đồ họa: BBC

Lebanon đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc nội chiến 1975 - 1990, với lạm phát và thất nghiệp tăng vọt, và giá trị đồng tiền rơi tự do. Ngân hàng Thế giới đưa ra lời cảnh báo vào tháng 11/2019 rằng một nửa dân số của nước này là 6,8 triệu người có thể ở dưới cả ngưỡng nghèo đói.

Đó là tất cả khủng hoảng trước khi dịch COVID-19 xảy ra, và bây giờ, người dân Lebanon lại phải đang vật lộn để mua được thực phẩm và hàng hóa thiết yếu. Do đó, các cuộc biểu tình nghiêm trọng phản đối liên tiếp diễn ra khi chính phủ nước này không hành động giữa việc lựa chọn để dịch bệnh lây nhiễm hay để xảy ra tình trạng nghèo đói.

Lebanon cũng đang vỡ nợ quốc gia với tỉ lệ nợ trên GDP hơn 150%, là mức cao thứ ba thế giới. Quĩ tiền tệ IMF đã đưa ra về gói cứu trợ khẩn cấp vào tháng trước cho đất nước này.

Dù chỉ là quốc gia nhỏ bên bờ Địa Trung Hải, Lebanon vẫn tiếp nhận hơn 1,5 triệu người tị nạn Syria. Tham nhũng nhà nước, sụp đổ các cơ sở hạ tầng, chính phủ thất bại trong cung cấp các dịch vụ cơ bản đã dẫn tới nhiều cuộc biểu tình liên tiếp trên toàn quốc.

Minh Hằng