|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

4 phương án mở rộng cao tốc TP HCM – Long Thành

20:44 | 30/11/2023
Chia sẻ
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đưa ra bốn phương án mở rộng tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành.

Cao tốc TP HCM - Long Thành đoạn nút giao An Phú - vành đai 2. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa có văn bản xin ý kiến Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, cùng UBND hai địa phương Đồng Nai, TP HCM về phương án đầu tư mở rộng đoạn cao tốc TP HCM – Long Thành, thuộc dự án đường bộ cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, theo Báo Đầu tư.

Phương án này do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) xây dựng với bốn lựa chọn, trong đó VEC đề xuất thực hiện đầu tư với cơ cấu nguồn vốn hỗn hợp (VEC, ngân hàng thương mại) và có sự tham gia của ngân sách nhà nước. Cơ cấu vốn gồm ngân sách nhà nước chiếm 46,42% tổng mức đầu tư, còn VEC huy động phần còn lại 53,58%. 

Sau khi xem xét báo cáo của VEC, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng phương án trên có ưu điểm hơn do phù hợp với mục tiêu hình thành VEC, phát huy lợi thế của VEC hiện đang là chủ đầu tư, quản lý vận hành khai thác, việc tiếp tục giao VEC làm chủ đầu tư mở rộng dự án sẽ đảm bảo tính đồng bộ của toàn Dự án; thời gian thực hiện ngắn hơn do không phải tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Bên cạnh đó, việc đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước cho dự án thông qua tăng vốn điều lệ cho Doanh nghiệp để doanh nghiệp đầu tư vào dự án sẽ thực hiện được việc thu giá phù hợp với các quy định hiện hành nhằm thu hồi vốn đã đầu tư và bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp...

Do phương án VEC kiến nghị đầu tư là phương án đầu tư công nên Dự án phải có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn và phải trình Quốc hội cho phép giao vốn trực tiếp cho VEC.

Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, trong trường hợp VEC được cấp có thẩm quyền quyết định giao làm chủ đầu tư Dự án, các vướng mắc về việc tăng vốn điều lệ, giãn thời gian hoàn trả khoản tiền gốc trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả từ giai đoạn 2022 - 2027 sang hoàn trả trong giai đoạn 2032-2035 và khoản lãi phát sinh của khoản tiền này, VEC hoàn trả trong giai đoạn 2027 - 2036 cần phải được tháo gỡ, giải quyết.

“Trường hợp VEC không đủ điều kiện được giao làm chủ đầu tư Dự án, đề nghị Bộ GTVT chủ trì báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo về hình thức đầu tư Dự án”, đại diện Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất.

Dự án đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây giai đoạn 1 do VEC đầu tư, khai thác có quy mô 4 làn xe, chiều dài 54 km, là một phần của đường trục cao tốc Bắc - Nam phía đông, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 

Bốn phương án mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành 

Phương án 1: Dự án được đầu tư với cơ cấu nguồn vốn VEC huy động 100% (trong đó 40% tổng mức đầu tư là vốn của doanh nghiệp và 60% huy động từ các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính).

Phương án 2: Đầu tư với cơ cấu nguồn vốn hỗn hợp (VEC và ngân hàng thương mại) và có sự tham gia của ngân sách nhà nước, trong đó vốn ngân sách nhà nước 46,42%, vốn VEC huy động 53,58% tổng mức đầu tư).

Phương án 3: Hợp tác (Liên danh) với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thực hiện đầu tư mở rộng Dự án, trong đó VEC huy động 57%, SCIC 43% tổng mức đầu tư.

Phương án 4: Phối hợp với nhà đầu tư tư nhân đề xuất theo hình thức PPP với cơ cấu nguồn vốn có sự tham gia của ngân sách nhà nước, trong đó vốn nhà đầu tư (VEC và nhà đầu tư khác) huy động 54,42 %, ngân sách nhà nước tham gia 45,58% tổng mức đầu tư.

Nguyễn Lê