4 bước để gây dựng thương hiệu thân thiện với môi trường
Truyền thông đang giúp con người ý thức hơn về môi trường sống xung quanh. Vì thế, khi một doanh nghiệp xây dựng thương hiệu với khẩu hiệu bảo vệ môi trường, họ chắc chắn sẽ nhận sự ủng hộ từ nhiều phía.
Xây dựng một thương hiệu thân thiện với môi trường không đơn giản. Dưới đây là 4 bước để xây dựng và phát triển một doanh nghiệp như vậy, với góc nhìn của cây viết Adam Butler từ Forbes.
Thay đổi cách suy nghĩ của bản thân và nhân viên
Mọi thứ cần phải bắt đầu từ việc doanh nghiệp biết rõ đâu là những sản phẩm gây hại cho môi trường sống. Họ có thể bắt đầu từ website của Hiệp hội Bảo vệ môi trường (EPA).
Website của EPA cũng là một nơi lí tưởng vì nó có đầy đủ mọi thông tin cần thiết: Cách tiết kiệm nước, sử dụng năng lượng sạch và hạn chế tác động lên môi trường từ việc vận tải.
Chủ doanh nghiệp có thể sẽ choáng ngợp khi tiếp nhận lượng lớn thông tin khi chưa quen. Hãy bắt đầu từ một khía cạnh nhỏ, như giảm thiểu tối đa rác thải. Sau đó dần nâng cao kiến thức của bản thân và truyền đạt tới các nhân viên.
Văn hóa thân thiện môi trường trong công ty
Xây dựng môi trường làm việc "xanh" khó hơn rất nhiều so với cung cấp dịch vụ "xanh". Do đó cần phải bắt đầu từ việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp tới tất cả mọi người. Thống nhất quan điểm từ trong ra ngoài và tạo thói quen tốt cho nhân viên.
Bạn cần xây dựng môi trường làm việc xanh trước khi xây dựng văn hóa xanh trong doanh nghiệp. Ảnh: Forbes
Để làm tốt, doanh nghiệp cần nhận được sự đồng thuận từ ban lãnh đạo. Sau đó, họ hướng dẫn, đào tạo cho toàn thể nhân viên.
Ban lãnh đạo nên bỏ những qui định không rõ ràng như "Tránh xả rác không cần thiết". Chúng ta cần một khẩu hiệu mang tính chất định lượng hơn, ví dụ như cắt giảm 10% lượng giấy sử dụng trong tháng. Điều này sẽ khiến nhân viên cân nhắc hơn khi sử dụng máy in.
Lập mối quan hệ với các đối tác thân thiện môi trường
Muốn được biết đến nhiều hơn với tư cách một doanh nghiệp thân thiện môi trường, bạn cần thiết lập quan hệ với các đối tác tương tự. Nghiên cứu kĩ các sản phẩm, dịch vụ mà đối tác bán.
Thiết lập mối quan hệ tới các đối tác bảo vệ môi trường để tạo ra mạng lưới những doanh nghiệp cùng mục tiêu. Ảnh: Forbes
Doanh nghiệp nên mua hàng từ nhà cung cấp sử dụng đồ tái chế và không dùng vật liệu đóng gói bằng xốp hay nhựa. Họ nên ưu tiên đơn vị cung cấp sử dụng các loại xe tiết kiệm nhiên liệu và hay gửi đồ điện tử hỏng tới các trung tâm tái chế.
Marketing
Mọi thứ đã đi vào thực tiễn và giờ là lúc để bạn marketing thương hiệu xanh tới mọi người. Tùy thuộc vào qui mô, bạn có thể lựa chọn cách marketing theo các kênh khác nhau.
Hãy bắt đầu bằng việc đăng tải thông điệp xanh tới trái đất trên website công ty. Hoặc có thể để nhãn hiệu xuất hiện ở các website bảo vệ môi trường. Ngoài ra, tài trợ cho các chiến dịch và chương trình "xanh" khác cũng là một ý kiến hay.
Bạn nên tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền địa phương. Hãy chắc chắn rằng các đơn vị có thẩm quyền và cơ quan các cấp biết đến mình.
Khi tất cả việc này đã xong, lợi ích mà doanh nghiệp nhận sẽ lớn hơn kì vọng. Với cùng một sản phẩm, dịch vụ cung cấp chắc chắn người tiêu dùng sẽ ưu tiên mua hàng từ công ty. Đây sẽ là một lợi thế cạnh tranh rất lớn.