|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

38% người dân cho rằng lãnh đạo doanh nghiệp thuộc nhóm tham nhũng nhất

14:18 | 12/04/2017
Chia sẻ
Doanh nghiệp vừa là nạn nhân lại vừa là tác nhân của vấn nạn tham nhũng. Hành động sẵn sàng đưa tiền để giải quyết nhanh thủ tục về lâu dài sẽ có hại cho chính doanh nghiệp.
38 nguoi dan cho rang lanh dao doanh nghiep tham nhung
Làm thủ tục hành chính tại cơ quan thuế. (Minh họa: TB).

Tại buổi hội thảo "Thúc đẩy Xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính tại Việt Nam thông qua hành động tập thể" vừa tổ chức sáng nay (12/4) tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc điều hành trung tâm Nghiên cứu Quản trị Xã hội (CENSOGOR) chỉ ra, doanh nghiệp đóng vai trò “mắt xích kép”, vừa là nạn nhân vừa là tác nhân gây ra tham nhũng.

Có mặt tại hội thảo, bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP HCM cho rằng, hiện tượng tham nhũng này đang làm doanh nghiệp yếu đi, bào mòn chi phí và bào mòn cả con người trong doanh nghiệp.

Tuy nhiên phải nhìn nhận, "văn hóa hoa hồng", chi phí bôi trơn diễn ra do cả phía yêu cầu là một số người trong hệ thống nhà nước nhưng phải nhìn nhận có sự tham gia chủ động của các doanh nghiệp.

Bà Loan chia sẻ ví dụ, có rất nhiều doanh nghiệp muốn được coi là "công nghệ cao" sẵn sàng bỏ ra chi phí để được đánh giá là "đủ tiêu chí" để vào được khu công nghệ này. Khi có những doanh nghiệp "lọt" qua hàng rào bằng cách như vậy, uy tín của các khu công nghiệp, khu công nghệ giảm sút.

Trong khi đó, để thu hút được nhà đầu tư nhất là những tập đoàn lớn trên thế giới đầu tư vào Khu công nghệ cao, bên cạnh hạ tầng đầy đủ, nguồn nhân lực tốt thì nhà đầu sẽ chọn nơi có môi trường kinh doanh minh bạch và họ luôn đòi hỏi minh bạch trong kinh doanh và phòng ngừa rủi ro tham nhũng. Bởi các nhà đầu tư đa quốc gia luôn chịu sự điều chỉnh bởi quy định pháp luật chống tham nhũng của Chính phủ họ, của các quốc gia mà tập đoàn đó đặt trụ sở chính.

Bà Loan cho biết, muốn thu hút và giữ chân được những nhà đầu tư có chất lượng, khu công nghệ cao TP HCM buộc phải trở thành một môi trường minh bạch, liêm chính. Và điều này chỉ làm được khi có sự phối hợp của chính các doanh nghiệp. Theo báo cáo PCI năm 2016, có tới 66% doanh nghiệp chấp nhận trả chi phí ngoài luồng, 59% doanh nghiệp FDI phải trả các chi phí không chính thức khi làm thủ tục hải quan.

Chính các doanh nghiệp cũng đang tự làm xấu đi hình ảnh của mình. Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc CENSOGOR đưa ra dẫn chứng, khi được hỏi ai là đối thượng tham nhũng nhất, 38% người dân Việt Nam đánh giá các Lãnh đạo doanh nghiệp là một trong 3 nhóm dẫn đầu.

Một đại diện doanh nghiệp có mặt tại hội thảo biện giải cho thế khó của doanh nghiệp khi mỗi năm đều phải đối mặt với “rừng văn bản quy định phức tạp chồng chéo hiện nay, người thừa hành công vụ vận dụng kiểu nào cũng được nên gây khó cho doanh nghiệp". Và vì vậy, dù rất muốn hoạt động trong môi trường minh bạch nhưng ông đã chấp nhận “đưa 500.000 đồng cho xong”.

Chia sẻ với thực tế mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, tuy nhiên, ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng thư ký VCCI không đồng tình với cách làm đó. Ông cho rằng chính các doanh nghiệp đang nhượng bộ tiếp tay cho tham nhũng. Để có môi trường kinh doanh minh bạch, từng hành động nhỏ của doanh nghiệp nên liêm chính.

"Kinh nghiệm đưa 500.000 đồng để được việc một lần đó tưởng là nhỏ hơn nhưng về lâu dài sẽ thiệt hại nhiều hơn cho chính doanh nghiệp. Với những hành động chấp nhận chi những khoản không chính thức, những khoản bôi trơn đã làm cho uy tín và hình ảnh các doanh nghiệp xấu đi", Peter Angelo Perfecto, Phó chủ tịch phục trách Hoạt động, Sáng kiến Liêm chính Philippines cũng chia sẻ.

Bà Charlotte Laursen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm “những hành động đơn lẻ sẽ không dập tắt được tham nhũng. Cần có hành động tập thể, liên kết giữa các doanh nghiệp".

Trước thực trạng hiện nay của Việt Nam số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ quá lớn và có xư hướng tìm cách giải quyết nhanh gọn các thủ tục, ông Phạm Quang Vinh cho rằng cần thiết phải tập hợp tiếng nói và hành động của các doanh nghiệp. Từ kinh nghiệm thành lập các tổ chức như vậy ở Philippines và Malaysia, theo ông Vinh, chỉ khi làm theo bộ quy tắc ứng xử chung văn minh, liêm chính khi đó doanh nghiệp mới có thể cùng Chính phủ tạo dựng môi trường liêm chính minh bạch được.

Thái Hoàng