34 phiên sàn của CDO: Chủ tịch mong cổ đông 'chấp nhận tình trạng này'
Ảnh minh họa: Ndh |
Cổ phiếu CDO vẫn đang tiếp tục đà giảm không phanh trên sàn HOSE với phiên giảm sàn thứ 34 liên tiếp. Lịch sử trên sàn Hose chưa từng ghi nhận một trường hợp nào cổ phiếu giảm sâu mà không hề có lực đỡ như thế này. CDO rơi thẳng đứng và bị cuốn phăng hơn 1.000 tỷ đồng vốn hóa thị trường so với thời điểm chỉ cách đây chưa đầy 2 tháng.
Theo giải trình của CDO, nguyên nhân cổ phiếu bị giảm sàn nhiều phiên liên tiếp bắt nguồn từ tin đồn ông Nguyễn Đình Nhân, Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc công ty bị bắt, trong khi ông này đang theo học một khóa học quản lý cấp cao tại Mỹ với thời hạn 3 tháng, cùng nhiều tin đồn khác khiến CTCK dừng cho vay margin và kéo theo hàng loạt phiên giảm sàn của cổ phiếu này.
Ông Nhân cho rằng hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư của công ty vẫn đang tiến triển tốt.
Trong nhóm cổ đông sáng lập chỉ duy nhất một mình ông Vũ Đình Nhân là cổ đông lớn, nắm giữ khoảng 2,6 triệu cổ phần của CDO. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2016, ông Vũ Đình Nhân cũng đã bất ngờ giảm ½ tỷ lệ sở hữu xuống còn 1,3 triệu cổ phiếu. Ngoài ra, “cổ đông khác” nắm đến 83,5% cổ phần CDO cũng là một lý do khiến CDO bị bán mạnh.
Dù vậy, nếu vẫn đang hoạt động kinh doanh bình thường thì tại sao cổ phiếu CDO vẫn không ngừng giảm, cũng không xuất hiện lực bắt đáy đặt ra nghi vấn sự việc không chỉ có tin đồn và giải chấp.
Lãnh đạo CDO cho biết ngày 17/1/2017 công ty đã được nước CHDCND Lào cấp phép cho đầu tư xây dựng 2 dự án khách sạn 4 sao và Trung tâm tổ chức sự kiện Cung Xuân Phonsavan tại Lào, dự án này sẽ được trình ĐHCĐ thời gian tới. Lãnh đạo CDO cho biết công ty phải tập trung nguồn vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư nên không thể mang nguồn vốn cứu giá cổ phiếu. Nên với áp lực giải chấp của CTCK thời gian tới có thể cổ phiếu CDO vẫn tiếp tục giảm sâu và ban lãnh đạo công ty “chia sẻ với cổ đông và nhà đầu tư tuy nhiên chúng ta phải chấp nhận tình trạng này”.
Khoản phải thu bất thường từ Hồng Hà
Công ty cho biết trong thời gian qua đã phát hành được gần 3 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông tỷ lệ 15% và phát hành 8,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu thu về 85 tỷ đồng. Công ty đã dùng 30 tỷ đầu tư vào CTCP đầu tư và phát triển năng lượng, đây là công ty có nhà máy sản xuất nến Vivian Vu’s tại Bắc Ninh, còn 50 tỷ để đầu tư vào CTCP Lương thực Hồng Hà, một công ty đang quản lý nhiều BĐS lớn tại Hà Nội như 173m2 tại Tràng Thi, 900m2 tại Chính Kinh và 230m2 tại 56 Nguyễn Trãi.
Theo bản cáo bạch chào bán cổ phiếu trong quý III/2016, CDO cũng sử dụng 50 tỷ đồng để đầu tư vào CTCP Lương thực Hồng Hà (VĐL 80 tỷ đồng) có trụ sở tại Hà Nội. CDO dự định sẽ thực hiện một số dự án bất động sản trên phần đất đai mà Lương thực Hồng Hà đang quản lý, sử dụng.
Trong khi đó, báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm của CDO đã xuất hiện khoản phải thu ngắn hạn gần 60 tỷ đồng đối với Cty Cổ phần Lương thực Hồng Hà. Dù đây là khoản phải thu lớn so với tổng tài sản nhưng CDO hoàn toàn không có thuyết minh về khoản phải thu này. Bên cạnh đó, báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng không phản ánh dòng tiền phát sinh tương đương.
Mặc dù CDO dự định sẽ thực hiện dự án BĐS trên đất của CTCP Lương thực Hồng Hà nhưng theo bản công bố thông tin của Vinafood1 thì đây chỉ là 3 khu đất thuê trả tiền hàng năm và chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?
Nguồn: Vinafood1 |
Có lẽ, để các nhà đầu tư an tâm trước việc cổ phiếu đột nhiên mất giá nghiêm trong. Ban lãnh đạo CDO cần phải làm rõ hơn nhiều vấn đề chi tiết về hoạt động kinh doanh và giải thích cụ thể từng con số trong báo cáo tài chính của mình chứ không chỉ xuất hiện để nói về các con số doanh thu và lợi nhuận khá mơ hồ.