|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

3 động lực chính thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu ở nước ta

14:16 | 31/08/2019
Chia sẻ
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, doanh nghiệp cần nhìn rõ 3 động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng hoạt động xuất khẩu ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; CPTPP và các FTA; kỹ thuật số và thương mại điện tử.

Theo đó, sự chuyển dịch của các chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á do bị đánh thuế cao mang lại tiềm năng lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Doanh nghiệp cần nhiều nỗ lực hơn để tận dụng tối đa lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với các nước. 

Người tiêu dùng kết nối nhiều hơn, đặc biệt thông qua thiết bị di động giúp việc mua sắm xuyên quốc gia trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Với từng thị trường, ông Nguyễn Huy Hoàng đánh giá, châu Á, Mỹ và châu Âu (bao gồm Anh) là những thị trường tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

3 động lực chính thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu ở nước ta - Ảnh 1.

Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta

Châu Á chiếm 60% dân số thế giới, là thị trường tiềm năng. Khi xuất khẩu vào châu Á, doanh nghiệp chú ý ở các nước phát triển, cần tập trung vào nhóm người cao niên, trong khi ở các nước đang phát triển, nhóm người trẻ tuổi lại là nhóm đối tượng tiêu dùng chủ yếu.

Năm xu hướng tiêu dùng chính ở châu Á là: An toàn và tốt cho sức khỏe; sự vui vẻ, thoải mái, hạnh phúc;  sự tiện lợi, dễ sử dụng, dễ tiếp cận; kỹ thuật số và thương mại điện tử; mua sắm đa kênh.

Cuộc sống bận rộn hơn, người tiêu dùng châu Á quan trọng sự tiện lợi hơn. Đây là cơ hội cho các sản phẩm, dịch vụ giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn như dịch vụ vệ sinh nhà cửa, sản phẩm đa chức năng, sản phẩm có hiệu quả nhanh, bữa ăn nhanh tại nhà, sản phẩm tích hợp. 

Các kênh mua sắm tiện lợi dễ tiếp cận nhanh chóng liên tục tăng trưởng cao hơn so với tổng thị trường hàng tiêu dùng nhanh ở châu Á.

Châu Á là khu vực ưu tiên cho di động với lượng người dùng tương tác cao với điện thoại di động hơn các khu vực khác. Do vậy, châu Á là cái nôi phát triển thương mại điện tử hiện nay và sẽ còn tiếp tục tăng tốc. 

Với xu hướng mua sắm đa kênh, doanh nghiệp nghiên cứu tăng cường phối hợp giữa các mô hình truyền thống và trực tuyến; các mô hình bán lẻ mới.

Ở Mỹ và châu Âu, phần lớn người tiêu dùng rơi vào nhóm lớn tuổi, họ có thói quen và hành vi khác với nhóm người trẻ ở châu Á.

Năm xu hướng tiêu dùng chính ở Mỹ và châu Âu là: An toàn và tốt cho sức khỏe; sự phân cực về hàng hóa (hàng nhãn riêng và giá rẻ với sản phẩm cao cấp); tiện lợi hơn nữa; nâng cao trải nghiệm mua sắm; bền vững xã hội.

Với lượng người tiêu dùng có ý thức cao về sức khỏe, chế độ dinh dưỡng thay đổi ít đường và nhiều đạm, Mỹ và châu Âu là những thị trường lớn cho sản phẩm hữu cơ (organic), trong đó Mỹ chiếm gần 50% thị phần.

Người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu có khuynh hướng chọn các sản phẩm giá thấp, tuy nhiên họ cũng sẵn sàng chi cho các mặt hàng cao cấp nếu giá trị mang lại tương xứng. Họ cũng đề cao sự tiện lợi trong mọi khía cạnh của cuộc sống.

Tích hợp online và offline để nâng cao trải nghiệm mua hàng là cần thiết. Thế nhưng, trực tuyến sẽ không thay thế hoàn toàn cho những trải nghiệm thật bởi vì người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu vẫn muốn cảm nhận trực tiếp, thực tế hơn. 

Do đó, các doanh nghiệp “thông minh” đang quay trở lại những điều cốt lõi, tập trung vào trải nghiệm thực tế và tận dụng kỹ thuật số để mang lại cho người tiêu dùng những trải nghiệm liền mạch hơn, tuyệt vời hơn. 

Các sản phẩm tích hợp giọng nói đã khuyến khích người mua từ bỏ các sản phẩm không có nhiều trải nghiệm, thay vào đó là sự tự động hóa. Thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường đang gia tăng tương tác với người tiêu dùng trong hành trình mua hàng.

Người tiêu dùng ngày nay phản ứng nhiều hơn trước những vấn đề xã hội như rác thải, trái đất nóng lên, ô nhiễm môi trường, nên ở Mỹ và châu Âu cũng gia tăng làn sóng dịch chuyển về phía các thương hiệu quan tâm đến sự bền vững của xã hội.


M.P