3 chương trình MBA giúp doanh nhân có kĩ năng đối phó những khủng hoảng như COVID-19
Trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ, Dollaride, một startup mà Đại học New York hỗ trợ đã nhanh chóng nhận ra rằng nhu cầu thuê xe tải đi lại ở New York đang giảm chóng mặt.
Để làm mới mô hình kinh doanh cũng như tận dụng các xe tải, công nghệ và tuyến đường hiện có, công ty nhanh chóng chuyển sang lĩnh vực giao hàng trọn gói và đạt doanh số khá ấn tượng trong thời gian ngắn.
Cách làm của Dollaride không đi theo bất cứ phương pháp kinh doanh học thuật điển hình nào. Họ không phân tích thị trường dài hạn, phát triển kế hoạch kinh doanh hoặc cân nhắc các phương pháp tiếp cận thay thế đa dạng.
Trên thực tế, nếu họ thực hiện những phân tích như thế, họ có thể kết luận rằng lợi nhuận ngắn hạn là không đủ cho việc tái thiết kế toàn bộ chu trình hoạt động hoặc mắc kẹt ở cách ước tính thời gian đại dịch diễn ra. Thay vào đó, họ chỉ đơn giản hành động dựa trên các nguồn lực hiện có.
Giới kinh doanh gọi cách tiếp cận ấy là "hiệu ứng" (effectuation), nghĩa là tận dụng những gì chúng ta biết, những người chúng ta biết và những gì chúng ta đang có để nhanh chóng quyết định.
Các trường kinh doanh thường không giảng dạy phương pháp này do tập trung nhiều hơn vào các phép tính rủi ro và lợi nhuận dài hạn. Tuy nhiên, khi chúng ta đối mặt với một tương lai ngày càng không chắc chắn và phức tạp, các trường kinh doanh dường như chưa thể đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai khả năng nhanh nhẹn, linh hoạt cần thiết.
Khởi nghiệp là kĩ năng có thể học không?
Trong khi các chương trình MBA hiện đại cung cấp hàng loạt các gói hỗ trợ khởi nghiệp đa dạng, từ môn học chính thức đến các cuộc thi và vườn ươm, nhiều người vẫn băn khoăn về việc các học giả, tiến sĩ chưa từng trực tiếp bán hàng liệu sẽ dạy được gì cho những người sẽ nắm vận mệnh của cả một công ty.
Vô số doanh nhân thành công chưa bao giờ học ở các trường kinh doanh và nhiều người thậm chí còn chưa tốt nghiệp đại học. Hơn nữa, việc phát triển thiên hướng tưởng tượng, sự phá cách và hành động trực giác cần thiết để khởi nghiệp hiệu quả thường không phù hợp với kiến thức điển hình được xác định và giảng dạy theo những mô hình phân tích trừu tượng và tính toán chính xác.
Hiện nay, các trung tâm giáo dục về kinh doanh và khởi nghiệp, cả tư nhân và chính quy, tại Việt Nam còn nhiều hạn chế song cũng đang bắt đầu tiến hành cập nhật chương trình giảng dạy để đáp ứng nhu cầu của sinh viên.
3 chương trình MBA hàng đầu tại Mỹ
Theo một nghiên cứu gần đây của các chuyên gia Havard, 3 chương trình MBA được đánh giá cao nhất ở Bắc Mỹ có cách thức và mô hình giảng dạy hoàn toàn khác biệt và đột phá so với mặt bằng chung.
Trong một ngành học mà mọi kiến thức và quy trình thường rất dễ dàng bị sao chép, 3 chương trình đem đến 3 cách tiếp cận vô cùng độc đáo và cần thiết cho những bạn trẻ hay học viên đang tìm kiếm kĩ năng kinh doanh linh hoạt và thực tế.
Cách tiếp cận đầu tiên tập trung vào việc đánh giá cao giá trị trải nghiệm thực tế với thiết lập lớp học dưới dạng "nhà hát". Trường Quản lí Rotman của Đại học Toronto đã chuyển đổi phòng học khởi nghiệp của họ thành một nhà hát. nơi sinh viên ngồi trong khán phòng lớn và quan sát các giáo sư thực hiện 'mổ xẻ' một công ty khởi nghiệp.
Trong Phòng thí nghiệm sáng tạo của Rotman, một hội đồng các nhà sáng lập doanh nghiệp thành công sẽ cùng các giáo sư thăm dò và thúc đẩy những công ty khởi nghiệp có tiềm năng, giúp sinh viên tiếp thu kĩ năng khởi nghiệp thông qua trải nghiệm. Một số trường đại học khác đang áp dụng chương trình tương tự là NYU.
Cách tiếp cận thứ hai tập trung vào khả năng phân tích lí trí để quyết định hành động thay vì rơi vào trạng thái tê liệt. Tất cả chúng ta đều cảm thấy câu hỏi này trong đầu trước mỗi tình huống khó khăn: "Nếu việc đó xảy ra thì sao?" hay "Làm cách nào để quản lí rủi ro ấy?".
Mục tiêu của phương pháp thứ hai là khiến người học nghĩ rằng: "Nếu tình huống xấu nhất diễn ra thì sao?". Trường Kinh doanh Darden của Đại học Virginia là nơi sản sinh ra tinh thần kinh doanh "hiệu quả", một phương pháp khiến sinh viên nhận ra các nguồn lực kinh doanh hiện có và chấp nhận một số rủi ro nhất định.
Tư duy này trái ngược với cách tiếp cận thông thường vốn nhấn mạnh đến việc giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra, trong khi giới kinh doanh thường được biết đến với tính chất cạnh tranh gay gắt, khốc liệt, chương trình của Darden truyền cho sinh viên ý thức về sức mạnh của đổi mới và hợp tác thông qua khuyến khích sinh viên chia sẻ ý tưởng một cách cởi mở với đồng nghiệp, khai thác những hiểu biết và quan điểm đa dạng để cùng tạo ra các liên doanh khởi nghiệp.
Chương trình cuối cùng có cách tiếp cận truyền thống hơn. Trường Wharton của Đại học Pennsylvania hiện đang đưa ra phương pháp tiếp cận tối ưu hóa rủi ro và nguồn lực đặc trưng hơn so với hai cách trên.
Cách tiếp cận này dựa trên ý tưởng cung cấp các mô hình và công cụ phân tích từ những nghiên cứu học thuật đã được xuất bản và chứng minh về quá trình tạo ra liên doanh mới.
Dù triết lí này có thể hữu ích cho các công ty khởi nghiệp trưởng thành cũng như giúp các nhà sáng lập tránh những cạm bẫy khởi nghiệp phổ biến như chọn sai người đồng sáng lập, chấp nhận các điều khoản tài chính mạo hiểm hoặc đưa ra các quyết định sản phẩm không tối ưu. Tuy nhiên, phương pháp giảng dạy này sẽ không mấy hấp dẫn với các doanh nghiệp đang đối mặt với tình trạng bấp bênh của thị trường.
Giáo dục tư duy đối phó với mọi tình huống
Diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 cho thấy tầm quan trọng của quá trình chuẩn bị cho các nhà lãnh đạo đối mặt với một thế giới ngày càng bấp bênh và không chắc chắn. Đây không phải là một vấn đề cần giải quyết mà là một thực tế phải được chấp nhận.
Rốt cuộc, trong một tương lai ngày càng khó đoán, những người mong muốn khởi nghiệp hay kinh doanh sẽ cần phải có tầm nhìn xa, có trí tưởng tượng phong phú, khả năng thích nghi và hành động linh hoạt để giải quyết bất kì thách thức nào.
Việc học tập các kiến thức và công thức tính toán kinh điển từ trường lớp là điều kiện cần thiết song chưa phải là đủ để sinh tồn trong thế giới kinh doanh khốc liệt của hôm nay.